Nhìn lại một năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, cộng đồng doanh nghiệp này đã gửi đến Chính phủ 6 kiến nghị.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo sức ép hành chính đủ mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và địa phương để triển khai ngay từ những ngày đầu năm.
Thứ hai, giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các hiệp hội DNNVV ở trung ương và các địa phương; tạo kênh theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về những công việc làm được và chưa được.
Thứ ba, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó xác định mức thuế suất thông thường của DNNVV thấp hơn theo đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV; hướng dẫn ban hành chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản cho DN nhỏ, siêu nhỏ.
Thứ tư, đề nghị HĐND các tỉnh, thành có chính sách tháo gỡ, xây dựng quỹ đất tập trung cho DNNVV, tạo khu làm việc tập trung, cơ sở ươm tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai kiến nghị cuối là hình thành ban chỉ đạo về hỗ trợ DNNVV để có sự điều phối thống nhất, tập trung và tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin về hội nhập, thông tin thuế quan khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Trước đó, mặc dù ghi nhận một số kết quả bước đầu của việc triển khai thi hành Luật DNNVV, song theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có quy định được hưởng ưu đãi thuế, nhưng vẫn phải chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Luật Thuế và cho đến nay chưa thấy Bộ này có kế hoạch. Tiêu chí thế nào là DNNVV đổi mới, sáng tạo chưa có. Doanh nghiệp cũng rất thiếu thông tin và rất cần được tư vấn pháp lý…
Cũng tại hội nghị này, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2010, tuy xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc, song có 6/10 chỉ số cải thiện về điểm tuyệt đối. Trong đó, tiếp cận điện năng và khởi sự kinh doanh tăng đáng kể. Nhìn chung, sau 5 năm, với việc thực hiện hàng loạt giải pháp, môi trường kinh doanh đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Như tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37. Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 42 bậc, hiện xếp thứ 131. Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc, đứng thứ 89. Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc, xếp thứ 104… Tuy nhiên, vẫn còn 4 chỉ số giảm bậc, là đăng ký tài sản; thương mại qua biên giới; giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp. Trong đó phá sản doanh nghiệp giảm tới 29 bậc.
Riêng về điều kiện kinh doanh, tổng số điều kiện trước khi cắt giảm là trên 5.700 điều kiện. Đã có trung bình khoảng 30% số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Song, rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Một số trường hợp hồ sơ được yêu cầu còn nhiều hơn so với quy định cũ (ví dụ như hồ sơ chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng). Để tiếp tục xây dựng nghị quyết về môi trường kinh doanh của Chính phủ, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất một số chỉ tiêu cụ thể cho năm 2019, trong đó có việc nâng chỉ số tiếp cận điện năng lên ít nhất 3 - 5 bậc; chỉ số giải quyết phá sản lên ít nhất 5 bậc, chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng ít nhất 3 bậc…