Cộng đồng quốc tế dồn sự quan tâm về Trung Đông

(ĐTTCO) - Tình hình tại khu vực Trung Đông chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Hãng Reuters đưa tin Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad (Iraq), nơi có Đại sứ quán Mỹ và căn cứ không quân Balad, nơi binh lính Mỹ đồn trú, đã phải hứng chịu các đợt tấn công bằng rocket trong ngày 4-1. 

Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Iran thề trả đũa Mỹ vì sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani. 

Đe dọa lẫn nhau

“Thật không may là người Mỹ đã bước vào một con đường mới mà có thể sẽ rất nguy hiểm. Nước Mỹ sẽ phải trả giá”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố như vậy trong cuộc gặp Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, đang có chuyến thăm tới Tehran. Ông Rouhani cáo buộc những hành động “vô lý” của Mỹ đã đưa khu vực tới bất ổn.

Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đang nhắm vào 52 mục tiêu tại Iran và sẵn sàng tấn công trong trường hợp Tehran trả đũa Washington. Theo ông Donald Trump, con số 52 mục tiêu tương đương với số người Mỹ bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, sau đó được trả tự do vào năm 1981.

Người dân Mỹ biểu tình lên án cuộc không kích và triển khai 3.000 quân đến Trung Đông

Người dân Mỹ biểu tình lên án cuộc không kích và triển khai 3.000 quân đến Trung Đông

Giới quan sát thực sự lo lắng những diễn biến đầy căng thẳng này sẽ đẩy xung đột leo thang bởi trước đó, cả Tehran và Washington vốn đã thúc đẩy những toan tính của mình tại khu vực. Iran làm mọi cách để “tống” 5.200 quân Mỹ ra khỏi Iraq.

Trong khi đó, Mỹ muốn triệt tổ chức Hezbollah tại Iraq, cánh tay nối dài của IRGC, với hơn 100.000 chiến binh Shia tại Iraq. Không lâu trước vụ sát hại tướng Soleimani, Mỹ đã tiến hành một vụ không kích vị trí của Hezbollah tại Iraq để trả đũa một vụ tấn công làm một người Mỹ thiệt mạng. Có thể nói, thùng thuốc súng Trung Đông hiện đang chực chờ nổ. 

Phản đối bạo lực

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran. Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ Ro Khanna đã giới thiệu dự luật ngăn chặn tài trợ cho bất kỳ lực lượng quân đội tấn công nào tham gia hoặc chống lại Iran mà không có sự cho phép trước đó của quốc hội. Dự luật này nhằm hạn chế ngân sách cho các hành động quân sự chống lại Iran.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thì cảnh báo cuộc không kích của Mỹ có nguy cơ làm leo thang bạo lực một cách nguy hiểm, đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ và thế giới cần tránh để căng thẳng leo thang đến mức không thể quay đầu lại.

Nhiều người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình lên án cuộc không kích do Tổng thống Donald Trump chỉ thị và quyết định triển khai thêm khoảng 3.000 binh sĩ tới Trung Đông. Hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington, giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút binh sĩ khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các TP New York, Chicago và nhiều thành phố khác tại Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, việc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc là không thể chấp nhận được và cần thiết phải tôn trọng chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, trong những ngày tới, Berlin sẽ làm tất cả những gì có thể tại Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu cũng như tiến hành các cuộc đối thoại với các đối tác trong khu vực, kể cả trong các cuộc đàm phán với Iran nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng căng thẳng tại khu vực... 

Sáng 5-1, thi thể của tướng Soleimani đã được đưa về Iran. Hàng trăm ngàn người dân Iran đổ xuống đường tuần hành bày tỏ sự tiếc thương tướng Soleimani, hô vang khẩu hiệu đòi trả thù Mỹ.

Lễ tang của tướng Soleimani được tổ chức tại TP thiêng Qom vào ngày 6-1 trước khi linh cữu của ông được đưa về chôn ở quê nhà Kerman.

Trong khi đó, nóc thánh đường Jamkaran tại TP Qom đã treo lá cờ lớn màu đỏ Ya la-Tharat al-Husayn, báo hiệu về một trận “huyết chiến” trả thù cho tướng Soleimani. Lần đầu tiên từ cuối thế kỷ thứ 7, “cờ máu” lại được giương lên trên nóc thánh đường Jamkaran.

Các tin khác