Trong đó, VCCI đề nghị định kỳ 3 tháng một lần, chính quyền địa phương phải đăng tải danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý.
Công khai ĐMC, cơ sở ô nhiễm
Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đã có quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu những tác động môi trường tiềm tàng từ những bản quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện ĐMC trong thời gian qua chỉ mang lại những kết quả vô cùng khiêm tốn. Những vụ việc như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy, công cụ ĐMC không phát huy hiệu quả, không những khiến Nhà nước phải điều chỉnh quy hoạch mà còn gây lãng phí, tốn kém và rủi ro cho các DN khi quyết định đầu tư dựa trên những bản quy hoạch đó.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc loại bỏ quy định về phê duyệt, xác nhận phương án bảo vệ môi trường, theo đó áp dụng theo cơ chế doanh nghiệp tự xây dựng tự chịu trách nhiệm, miễn là các thông số đầu ra như chất thải, tiếng ồn… đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật. Đề xuất của VCCI |
Theo VCCI, một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do thiếu sự minh bạch, giám sát trong công tác lập và thẩm định các báo cáo ĐMC. Các báo cáo này thường do cơ quan phê duyệt quy hoạch chủ trì thẩm định, cũng không có chế tài xử lý khi không thực hiện nên không phát huy được hiệu quả. Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là yêu cầu phải công khai các báo cáo ĐMC cùng với việc công khai các quy hoạch, kế hoạch khi lấy ý kiến cũng như sau khi ban hành.
Dựa vào những thông tin này, người dân và DN có thể giám sát việc thực hiện ĐMC, từ đó nâng cao tỷ lệ tuân thủ cũng như chất lượng của các báo cáo này. Do đó, dự thảo cần bổ sung quy định về việc lấy ý kiến báo cáo ĐMC cùng với việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch, và công khai báo cáo ĐMC khi công khai quy hoạch, kế hoạch.
Hiện nay, dù quy định về công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã có, tuy nhiên theo ghi nhận của VCCI rất ít địa phương có đăng tải thông tin này trên website. Điều này không rõ địa phương đó không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hay chính quyền địa phương đã không thực hiện việc rà soát, công bố.
Do đó, dự thảo cần bổ sung thêm quy định: định kỳ 3 tháng một lần, chính quyền địa phương phải đăng tải danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý của tỉnh, kể cả trường hợp không còn cơ sở nào thì cũng phải công bố thông tin đó.
Bọt xếp lớp dày trên mặt rạch Ruột Ngựa xuôi ra kênh Lò Gốm, kênh Tàu Hủ.
DN bị đặt vào thế rủi ro lớn
Dự thảo đưa ra quy định mới về phương án bảo vệ môi trường và coi đây là công cụ quản lý trong quá trình vận hành dự án, thay cho báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ có tác dụng trong giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ môi trường vẫn duy trì quy định về hệ thống quản lý môi trường áp dụng cho các cơ sở sản xuất “có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”. Như vậy, có sự chồng chéo về chức năng của hai công cụ quản lý này, và có thể gây tốn kém chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính cho DN.
Cũng theo dự thảo, phương án bảo vệ môi trường được lập sau khi dự án đã xây dựng xong và đi vào vận hành, phương án này phải được thẩm định, phê duyệt, nội dung của phương án này được coi là căn cứ để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Cách làm như vậy sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho các DN trong quá trình đầu tư.
Thí dụ, nếu phương án bảo vệ môi trường không được phê duyệt, mặc dù DN đã được phê duyệt báo cáo ĐTM và đã bỏ tiền đầu tư xây dựng thì toàn bộ dự án phải dừng lại. Trong khi đó, các tiêu chí để phê duyệt hay không phê duyệt lại phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý. Cách quản lý này đặt DN vào vị thế rất rủi ro và từ đó tạo ra cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực.
Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo đề xuất bổ sung quy định về giấy phép xả khí thải công nghiệp và được thực hiện sau khi DN đã hoàn thành giai đoạn xây dựng dự án. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định cụ thể về điều kiện để được giấy phép, trường hợp nào cơ quan nhà nước sẽ từ chối, trường hợp nào sẽ được cấp phép? Toàn bộ việc đánh giá, cấp phép hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của cơ quan nhà nước.
Quy định như vậy là rất kém minh bạch và đẩy DN vào vị trí vô cùng rủi ro. Bởi nếu cơ quan nhà nước từ chối cấp phép thì toàn bộ dự án không thể vận hành được trong khi tiền thì đã bỏ ra để đầu tư. Khi đó sẽ nảy sinh nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực. Do đó, cần bỏ quy định về giấy phép xả khí thải công nghiệp. Trong trường hợp cần thiết phải duy trì loại giấy phép này thì cần cấp phép đồng thời với quá trình ĐTM, tức là trước khi DN khởi công dự án.