Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải công bố công khai nợ xấu và danh sách các NHTM yếu kém. Trước đó, Thông tư 35 của NHNN cũng đề cập đến vấn đề nợ xấu sẽ được công khai trên hệ thống các phương tiện truyền thông. Có thể thấy công khai nợ xấu là một chuyện tốt, nhưng con số nợ xấu của các NHTM có chính xác là chuyện khác. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc sửa đổi Quyết định 493 về phân loại nợ trong hoạt động NHTM.
Gò lại hoạt động cho vay và quản lý nợ
Quyết định 493 của NHNN (ban hành năm 2005) và Quyết định 18 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 493 đều phân loại nợ dựa theo định lượng và định tính, trong đó NHNN cho phép NHTM lựa chọn 1 trong 2 phương pháp tùy theo rủi ro từng NH.
Thực tế, thời gian qua có NHTM xác định tỷ lệ nợ xấu theo điều 6, có NHTM theo điều 7 khiến con số nợ xấu của các NHTM khác nhau, không phản ánh đầy đủ và chính xác.
Việc phân loại nợ theo đúng thông lệ quốc tế, có chế tài giám sát chặt chẽ được xem là những hành động thiết thực và là những bước đi đầu tiên của NHNN trong vấn đề giải quyết nợ xấu. Có thể việc trích lập dự phòng tăng so với trước đây sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTM, nhưng sẽ có lợi cho NHTM về mặt dài hạn khi tăng trưởng tín dụng một cách an toàn và có chọn lọc hơn. TS. CAO SỸ KIÊM, |
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết của hệ thống NHTM hiện nay là phải sửa đổi Quyết định 493 sát với thực tế, giúp NHNN nắm chính xác tình hình nợ xấu của toàn hệ thống, từ đó đưa ra những phác đồ điều trị hợp lý.
Dự kiến trong tháng 8, dự thảo thông tư sửa đổi Quyết định 493 sẽ được ban hành, góp phần hướng dẫn việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay trên thị trường liên NH mà NHNN đã quy định trong Thông tư 21 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9 tới.
Nhiều chuyên gia NH nhận định đây là khung pháp lý quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động chính của các NHTM là cho vay và quản lý nợ, đặc biệt giúp rà soát, phá “tảng băng” nợ xấu của hệ thống NHTM hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, dự thảo thông tư sửa đổi lần này sẽ có nội dung quan trọng là hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để các NHTM chấm điểm khách hàng vay theo các thứ hạng, qua đó tiến hành phân loại nợ theo 5 nhóm với các cấp độ và tỷ lệ trích lập dự phòng.
Theo đó, thông tư quy định việc xác định nợ xấu theo phương pháp định lượng hay định tính và phải thực hiện đồng bộ toàn hệ thống. Ngoài ra, thông tư quy định trích lập dự phòng đối với khoản mua trái phiếu doanh nghiệp; quy định trích lập dự phòng khoản cho vay trên thị trường liên NH; quản lý rủi ro chặt chẽ hơn các cam kết ngoại bảng cùng các khoản mục khác.
Có thể NHNN sẽ không thay đổi tỷ lệ trích dự phòng rủi ro, nhưng sẽ mở rộng hơn các khoản tín dụng phải phân loại nợ, bao gồm nợ đã bán, nợ mua và khoản mua trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ khấu trừ tối đa các tài sản đảm bảo cơ bản không thay đổi, nhưng có phân biệt rõ hơn về chứng khoán…
Như vậy, chi phí dự phòng của các NHTM sẽ tăng lên với những khoản tín dụng có độ rủi ro cao. Điều này giúp con số nợ xấu của hệ thống NHTM sẽ chính xác hơn.
Rào cản tăng trưởng tín dụng?
Theo các chuyên gia tài chính, với Quyết định 780 của NHNN trong việc cho phép các NHTM được cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, trong đó cho phép giữ nguyên nhóm nợ sau khi đã cơ cấu lại nợ là quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đây là sự thay đổi căn bản so với quy định trong Quyết định 493 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo Quyết định 493, những khoản nợ được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ lần đầu, được miễn giảm lãi… sẽ bị xếp vào nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn, phải trích lập dự phòng rủi ro 20%).
![]() |
Việc phân loại nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng của các NH. Ảnh: LÃ ANH |
Theo đó, các món nợ của NHTM có nguy cơ bị đẩy dần xuống nhóm dưới, khiến khoản trích lập dự phòng rủi ro của NHTM tăng, làm giảm thu nhập của NHTM. Với Quyết định 780, việc phân nhóm nợ của các NHTM đã được nới hơn trước.
Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng việc phân loại nợ sẽ càng khó phân định hơn khi NHNN ban hành Quyết định 780.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, nợ xấu NHTM bắt nguồn từ sức cầu suy giảm nghiêm trọng. Chế độ phân loại nợ của NHNN đưa ra ngặt nghèo, nếu NHNN không cho khoanh nợ, giãn nơ,ï nợ xấu sẽ tăng cao. Vì vậy Quyết định 780 với giải pháp cơ cấu lại nợ không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và NH, mà còn là phép thử trước khi NHNN chính thức ban hành văn bản hoàn toàn mới về vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc phân loại nợ chặt chẽ hơn không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn là rào cản tăng trưởng tín dụng NH.
Đơn cử, trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bị khó khăn tạm thời, nếu không có cơ chế phân loại nợ linh hoạt, NHTM càng khó gia tăng tín dụng. Hay ở mảng cho vay trên thị trường liên NH trước đây giao dịch trên niềm tin và sự lành mạnh, nay buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cũng khiến dòng vốn trên thị trường này bị ảnh hưởng nhất định.
Có ý kiến cho rằng nếu NHNN có quy chế sửa đổi phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, cần nới quy định tỷ lệ nợ xấu tối đa của một NHTM cho phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay. Bởi lẽ, nếu vẫn rập khuôn tỷ lệ không quá 5% như hiện nay, nhiều khả năng các NHTM sẽ phải dừng cho vay khi phân loại lại nợ theo quy định mới của NHNN.
Có thể thấy, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về công khai, minh bạch nợ xấu các NHTM, nhưng việc sửa đổi quy định phân loại nợ vẫn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi trong đánh giá cụ thể khả năng tài chính và trả nợ đối với từng khách hàng, từ đó sự đánh giá và xếp hạng khách hàng được chính xác hơn để có biện pháp quản lý chất luợng tín dụng tốt hơn.