DN ngày càng nâng cao ý thức
Để nâng cao thẩm mỹ cho bao bì nông sản, các DN tìm kiếm những kiểu dáng độc đáo và màu sắc khác biệt, nhằm tăng cường sự kết nối cảm xúc giữa người tiêu dùng với thương hiệu. Thống kê của Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho biết, trên phạm vi toàn cầu, giá trị bao bì đã tiến sát đến con số 500 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 12%/năm.
Với Việt Nam, ngành bao bì tăng trưởng giá trị 13,4%/năm. Hiện Việt Nam có khoảng trên 4.500 DN sản xuất bao bì, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như khu vực Đông Nam bộ có 2.627 DN, khu vực đồng bằng sông Hồng có 1.311 DN.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, bao bì đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá thương hiệu, bảo quản và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Do đó, bao bì sản phẩm tác động trực tiếp đến hành vi mua hàng của người dùng, quyết định đến sự thành công của sản phẩm và chiến dịch bán hàng của DN.
"Khi cuộc cách mạng 4.0 đang chi phối nhiều hoạt động trên toàn cầu, bao bì nông sản phải là bao bì thông minh, để truyền tải thông tin nhanh chóng, đầy đủ. Bao bì thông minh giúp nhà sản xuất tương tác với nhiều đối tượng khác nhau", ông Tiến chia sẻ.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, chia sẻ: “Chúng tôi thiết kế bao bì theo tiêu chí làm sao phản ánh được toàn bộ giá trị bên trong. Bao bì khiến khách hàng thích thú ngay, muốn sở hữu ngay sản phẩm. Cho nên DN trước hết phải có nhận thức về tầm quan trọng với bao bì nông sản. Với người tiêu dùng, nông sản không chỉ cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mà cần tính thẩm mỹ bao bì”.
Trên thế giới, nhiều quốc gia hàng năm đều bình chọn và trao giải cho những bao bì nông sản ấn tượng nhất. Những bảng xếp hạng tốp 10, tốp 5 bao bì nông sản về tiêu chuẩn thẩm mỹ thiết kế, cũng là một thước đo thị trường.
Ở Việt Nam, một số DN đã dành 15-20% kế hoạch tài chính của từng nông sản cho việc đầu tư vẻ đẹp bao bì. Trước đây, bao bì nông sản quen thuộc với túi ni lông có giá thành rẻ và dễ sử dụng, nhưng lại gây ra những tác hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Bây giờ, bao bì nông sản chuyển hướng sang các vật liệu thân thiện hơn.
Nếu DN không ý thức rõ ràng về việc liên tục nâng cao chất lượng thẩm mỹ cho bao bì nông sản, thì gần như không thể sắp xếp kế hoạch tài chính và chiến lược nhân sự cho khâu thiết yếu này.
Bà Lê Kim Loan, Tổng Giám đốc PyLoHerb cho rằng vai trò của bao bì là làm sao thể hiện được tối đa giá trị của nông sản. Khi khách hàng chưa biết mình là ai thì khách hàng sẽ đánh giá sản phẩm qua bao bì.
"Trên thị trường có hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm ngoại nhập thì việc bao bì bắt mắt đóng vai trò quyết định. Thí dụ, đi vào một siêu thị có 10 thương hiệu cùng bán một mặt hàng, cả 10 thương hiệu đó khách hàng chưa từng biết, thì chắc chắn 80% họ sẽ chọn mua mặt hàng nào có bao bì ấn tượng nhất”, bà Lan cho biết.
Nhưng vẫn nhiều DN chưa chú trọng vì tốn kém
Tổng cục Quản lý thị trường vừa tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhận diện thực phẩm thật-giả” tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Với 400 sản phẩm trưng bày chuyên đề “Nhận diện thực phẩm thật-giả”, có thể thấy bao bì nông sản đã có sự tiến bộ rõ rệt sau hai thập niên bước qua thế kỷ 21.
Thế nhưng, nếu so với sản phẩm quốc tế, bao bì nông sản Việt vẫn rất khiêm tốn về mẫu mã và chất liệu. Dường như cái quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” bị hiểu một cách cứng nhắc, khiến DN ít chú trọng bao bì nông sản.
Đáng tiếc, Việt Nam chúng ta chưa thực sự sở hữu nền công nghệ bao bì nông sản một cách chuyên nghiệp. Trong xu hướng bao bì xanh đồng hành kinh tế xanh, theo bà Lê Kim Loan, nếu bao bì nông sản đều được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật thì quá tuyệt vời.
Tuy nhiên đây cũng là một bài toán rất khó cho không ít DN, vì hiện tại một số sản phẩm đặc thù chưa có bao bì nào thay thế được nhựa tổng hợp. Mặt khác, khi bao bì nông sản có giá thành quá cao, cũng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của từng sản phẩm và chiến lược tài chính của DN.
Đành rằng nông sản ngon lành và bổ dưỡng sẽ được người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, bao bì cũng là một thước đo cho đẳng cấp nông sản. Ngoài yếu tố thu hút khách hàng, bao bì cũng là một tiêu chí để sản phẩm thật khác biệt sản phẩm giả. Nếu bao bì đơn giản, chắc chắn gian thương sẽ không mấy khó khăn để làm sản phẩm giả trà trộn với sản phẩm thật.
Một trong những nông sản được làm giả nhiều nhất trong thời gian gần đây là gạo ST25. Sau khi được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”, gạo ST25 chính gốc “Gạo Ông Cua” được ưa chuộng trên diện rộng, dù giá cả cao hơn các loại gạo khác.
Nhưng thương hiệu “Gạo Ông Cua” thiết kế khá sơ sài, với hình ảnh “cha đẻ” của giống gạo ST25 là kỹ sư nông nghiệp - Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua trên bao bì, kèm địa chỉ nhà máy ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Vì vậy, chỉ cần một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ vẫn có thể giở mánh khóe tinh ranh để gia công và đóng gói “Gạo Ông Cua” giống hàng thật tới 100%.
Hiện nay, nông sản không chỉ được bán ngoài chợ hay trong siêu thị, mà còn được bán công khai ở các kênh thương mại điện tử. Nghĩa là hàng giả và hàng nhái càng được cơi nới biên độ thử thách “người tiêu dùng thông minh”. Nông sản bỗng dưng rơi vào một trò chơi đánh đố oái oăm, khi người tiêu dùng bằng đôi mắt bình thường không thể phân biệt hàng giả và hàng thật thông qua bao bì, bởi nhiều khi tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Tại sao nhà sản xuất đòi hỏi người tiêu dùng phải nhọc nhằn sử dụng phần mềm Ichekc để kiểm tra mã QRCode, mà không triển khai đối phó hàng giả từ khâu bao bì nông sản? Nếu đầu tư thỏa đáng cả kiểu dáng thẩm mỹ, màu sắc đặc thù lẫn công nghệ in ấn, thì bao bì nông sản chuyên nghiệp sẽ khiến những kẻ làm hàng giả phải thoái chí ngay khi manh nha ý đồ đen tối.