Công nghệ thông tin dẫn đầu đà lao dốc; Dầu được đà lên giá

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Hai (24/06), khi nhà đầu tư bán các cổ phiếu công nghệ lớn để chuyển sang các lĩnh vực khác như ngân hàng và năng lượng. Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng, khi những dấu hiệu cho thấy nhu cầu xăng tăng lên ở Mỹ và căng thẳng địa chính trị bùng phát trở lại ở Trung Đông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Công nghệ thông tin dẫn đầu đà lao dốc; Dầu được đà lên giá

Dow Jones tăng hơn 250 điểm

Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 260.88 điểm, tương đương 0.67%, lên 39,411.21 điểm. Trong khi chỉ số S&P 500 lùi 0.31% xuống 5,447.87 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1.09% còn 17,496.82 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024 đối với Nasdaq Composite.

Công nghệ thông tin là lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500 trong phiên, sụt hơn 2%. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng thêm 2.7%, lĩnh vực tài chính và tiện ích đều tăng 1%. Cổ phiếu thành viên Dow Jones, JPMorgan Chase, cộng 1.3%, còn cổ phiếu Goldman Sachs và Chevron đều tiến hơn 2%.

Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 6.7%, nối dài đà giảm 4% hồi tuần trước, chấm dứt chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp của cổ phiếu này. Cổ phiếu Nvidia sụt giảm sau khi nhanh chóng soán ngôi Microsoft trở thành công ty có giá trị nhất trên thị trường Mỹ. Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra mô hình giảm giá trong giao dịch gần đây của Nvidia.

Bất chấp đợt bán tháo hiện có, cổ phiếu Nvidia vẫn tăng vọt gần 140% từ đầu năm đến nay.

Larry Tentarelli, Trưởng bộ phận chiến lược kỹ thuật tại Blue Chip Daily Trend Report, cho rằng: “Đà sụt giảm của cổ phiếu Nvidia là khá lành mạnh. Tuần trước và bây giờ, chúng ta đang thấy một sự xoay chuyển lành mạnh. Đây thực sự là một sự tạm dừng tốt đẹp trong lĩnh vực công nghệ và quay trở lại một số lĩnh vực khác đang bị thụt lùi.”

Sự nhiệt tình xung quanh trí tuệ nhân tạo AI đã thúc đẩy thị trường đáng kể trong năm nay ngay cả khi nhà đầu tư vật lộn với những kỳ vọng thay đổi về việc hạ lãi suất và nền kinh tế đang chững lại. S&P 500 leo dốc 14% trong năm nay sau khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục lần thứ 31 trong năm.

Nhà đầu tư sẽ nhận được dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần này từ dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 5. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed dự kiến công bố vào ngày 28/06.

Căng thẳng tại Trung Đông lại bùng phát

Giá dầu đã giảm vào hôm 21/06, đứt mạch leo dốc gần đây, nhưng vẫn vọt gần 3% trong tuần trước. Dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 6% và 5.4% từ đầu tháng đến nay.

Dầu WTI vào tháng 5 đã chứng kiến tháng giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, nhưng giá dầu đã phục hồi nhờ hy vọng rằng thị trường sẽ khan hiếm do nhu cầu nhiên liệu mùa hè.

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 90 xu, tương đương 1.11%, lên 81.63 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent thêm 77 xu, tương đương 0.9%, lên 86.01 USD/thùng.

Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM, cho hay: “Lý do cơ bản đằng sau sức mạnh giá dầu là niềm tin ngày càng tăng rằng dự trữ dầu toàn cầu chắc chắn sẽ giảm trong mùa hè ở bắc bán cầu.”

Ryan McKay, Chiến lược gia hàng hoá cấp cao tại TD Securities, cũng chia sẻ rằng rủi ro nguồn cung hiện đang trở lại đáng chú ý khi căng thẳng leo thang ở biên giới Israel-Lebanon. Israel và nhóm phiến quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã liên tục đe dọa chiến tranh trong những tuần gần đây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này sẽ tái triển khai lực lượng đến phía bắc đất nước khi giai đoạn căng thẳng cuộc chiến ở Gaza chấm dứt.

Goldman Sachs, JPMorgan và Citi đều dự báo dự trữ sẽ bắt đầu giảm do nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng cho đến tháng 10/2024.

Dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc ngày 14/06. JPMorgan cho biết mức tiêu thụ xăng đã tăng lên 9.4 triệu thùng/ngày trong cùng tuần đó, mức cao nhất trong khoảng thời gian kể từ khi đại dịch kết thúc.

Các tin khác