Công nghiệp giải trí thời Covid-19

(ĐTTCO)- Những thách thức, khó khăn phải đối mặt trong thời kỳ đại dịch cũng mở ra cánh cửa, cho thấy hướng đi đầy tiềm năng của nền công nghiệp giải trí (CNGT).


Hình ảnh nền tảng số Disney+
Hình ảnh nền tảng số Disney+
Bị ảnh hưởng nặng nề
Cũng như những ngành công nghiệp khác, ngành CNGT cũng phải đối mặt với khủng hoảng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, 2 lĩnh vực giải trí gần gũi, dễ nhận thấy nhất là âm nhạc và phim ảnh.
Hiện ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu có tổng giá trị hơn 50 tỷ USD, với 2 nguồn doanh thu chính: nhạc sống và nhạc được ghi âm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ngành công nghiệp âm nhạc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, trong đó thiệt hại lớn nhất là những buổi biểu diễn trực tiếp. Việc 6 tháng liền không thể tổ chức các buổi hòa nhạc trực tiếp đã khiến ngành âm nhạc thất thu hơn 10 tỷ USD. Doanh số bán đĩa cũng giảm khoảng 1/3 so với năm 2019 do các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ nhạc số cũng giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2019. 
Về phim ảnh, năm 2019, theo tính toán của WEF, tổng doanh thu phòng vé toàn cầu đạt 42 tỷ USD - mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, trung tâm diện ảnh Mỹ Hollywood còn là nơi hỗ trợ hơn 2 triệu việc làm và 400.000 doanh nghiệp tại Mỹ. Ở Anh, phim ảnh và truyền hình cũng đóng góp khoảng 60 triệu bảng Anh/ngày cho nền kinh tế nước này. Các nước châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, đại dịch cũng khiến phim ảnh điêu đứng vì các hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và hệ thống các rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa do lệnh cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng. 
Tờ The Observer của Anh dẫn báo cáo của Công ty Nghiên cứu Ampere Analysis, cho biết thị trường truyền hình và quảng cáo trực tuyến của Mỹ sẽ mất khoảng 40 tỷ USD doanh thu vào năm 2021. Tờ The Diplomat của Mỹ dẫn dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence và OPUSData, cho biết tại Hàn Quốc và Nhật Bản, doanh thu phòng vé giảm tới 46,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ở Trung Quốc, hơn 13.000 công ty điện ảnh và truyền hình hủy đăng ký kinh doanh vào năm nay; cùng với đó 10.000 rạp chiếu phim tại nước này cũng phải dừng hoạt động. 
Sự ảnh hưởng của bệnh dịch tới điện ảnh và truyền hình không chỉ tính ở những thâm hụt hiện tại, mà có thể còn để lại ảnh hưởng lâu dài. Theo tờ The Hollywood Reporter của Mỹ, năm 2020 và 2021 sẽ ghi nhận sự suy giảm lớn nhất. Không những vậy, tốc độ tăng trưởng cũng sẽ giảm mỗi năm trong suốt 5 năm tiếp theo. Trong đó, hệ thống rạp chiếu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số tiền lỗ có thể lên đến 24,4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Hướng đi cho tương lai
Cũng như các lĩnh vực khác, ngành CNGT phải tìm hướng đi riêng để khắc phục khủng hoảng. Khi những buổi công diễn trực tiếp không thể thực hiện, các nghệ sĩ tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ để mở những buổi công diễn trực tuyến. Dẫn đầu cho trào lưu này phải nhắc đến làn sóng giải trí Hàn Quốc. Tờ The Diplomat đưa tin về buổi concert trực tuyến của nhóm nhạc BTS vào tháng 6 vừa qua đã bán được 756.600 vé, thu về lợi nhuận ước tính gần 20 triệu USD. 
Đặc biệt, Công ty Giải trí SM Entertainment tạo hẳn một nền tảng trực tuyến để phục vụ những buổi công diễn online mang tên “Beyond LIVE”. Nền tảng này không chỉ phát trực tuyến các buổi biểu diễn, còn là sự kết hợp với công nghệ thực tế ảo (AR), đồ họa 3D và các cuộc gọi video trực tiếp, để tăng sự tương tác giữa người hâm mộ và nghệ sĩ, mang lại cho người sử dụng cảm giác giống với trải nghiệm một buổi hòa nhạc trực tiếp nhất. SM tuyên bố Beyond LIVE sẽ mở ra kỷ nguyên văn hóa biểu diễn mới, mọi người có thể trải nghiệm âm nhạc chân thật nhất nhờ công nghệ. Theo tờ Korea Times của Hàn Quốc, ngay buổi diễn mở đầu của nhóm nhạc SuperM trên nền tảng Beyond LIVE, đã thu hút 75.000 lượt xem từ 109 quốc gia, vùng lãnh thổ, thu về hơn 2,4 tỷ won tiền bán vé. 
Theo sau SuperM, liên tục 6 nhóm nhạc khác tổ chức biểu diễn thành công trên nền tảng Beyond LIVE. Nhiều dàn nhạc cổ điển cũng tìm đến khán giả qua các nền tảng trực tuyến. Korea Times dẫn ý kiến GS. Lee Dong-yeon, Trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc, về những buổi công diễn trực tuyến: “Các buổi diễn trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn các buổi hòa nhạc sống, nhưng cũng cho thấy loại hình biểu diễn này rất có tiềm năng. Chúng ta cần tìm cách để phát triển cả 2 loại hình này cùng lúc”. Lee Hwa-jung, nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Investment & Securities, cũng cho rằng dù không thể thay thế được những buổi diễn live truyền thống, nhưng hòa nhạc trực tuyến - giúp tiết kiệm chi phí cũng như thúc đẩy doanh số bán album, hoàn toàn có thể tồn tại cùng với những buổi diễn nhạc sống về lâu dài.
Cũng như âm nhạc, các nền tảng số đang là công cụ cứu nguy cho phim ảnh và truyền hình. Tờ The Observer thông tin, Netflix có sự tăng trưởng ngoài mong đợi từ đầu năm 2020, với 16 triệu lượt đăng ký mới và lưu lượng truy cập cũng đạt mức kỷ lục. Disney+ gần đây cũng thông báo đã vượt con số 54 triệu người đăng ký trả phí, tăng gấp đôi lượng khách hàng từ tháng 2. Những nền tảng video trực tuyến khác như Youtube hay Amazon Prime Video cũng tăng thêm hàng triệu lượt theo dõi. 
Còn tờ The Diplomat dẫn dữ liệu vào tháng 1, khi các rạp phim trên toàn Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch, bộ phim hài “Lost in Russia” được phát hành trực tuyến trên ByteDance, Tiktok và Xigua video, đã vượt mức 600 triệu lượt xem trong vòng 72 giờ. Chỉ tính riêng đầu năm nay, lượt xem phim online ở Trung Quốc tăng 310 triệu người, tăng 17,4% so với năm trước. Cũng theo The Diplomat, đến tháng 4 năm nay, số người xem trực tuyến trên các thiết bị di động cũng tăng 60% ở các nước Đông Nam Á, với 4 nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất là Netflix, Viu, iflix và iQiyi. 

Các tin khác