Công nhân ở TP HCM xoay xở làm thêm

(ĐTTCO)-Tại địa phương phát triển công nghiệp như TP.HCM, tình trạng mất việc, giảm giờ làm, khó khăn kéo dài khiến nhiều công nhân phải xoay sở làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, khá phổ biến. Việc làm thêm cũng là cách để công nhân gắn bó chờ ngày các công ty có đơn hàng, dần hoạt động bình thường như trước.
Sau giờ tan ca, anh Trịnh Minh Hiếu làm thêm ở một quán nhậu, kiếm được thêm 3 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh K.D)
Sau giờ tan ca, anh Trịnh Minh Hiếu làm thêm ở một quán nhậu, kiếm được thêm 3 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh K.D)

Mải miết làm thêm

16h45, vừa tan ca làm ở Công ty TNHH Long Rich, Khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Đức, TP.HCM, anh Trịnh Minh Hiếu lại tất tả về phòng trọ ở đường Bình Hòa 5, Thuận An, Bình Dương. Chỉ trong 10 phút sửa soạn, không kịp ăn cơm cùng gia đình, Hiếu khoác vội đồng phục rồi tức tốc chạy xe máy để kịp 17h30 làm nhân viên phục vụ tại một quán ăn gần khu trọ.

Tại đây, Hiếu được quán bao ăn tối. Khách còn thưa thớt, Hiếu có thời gian ngồi nghỉ ngơi hồi sức, rồi lại thoăn thoắt soạn bàn ghế, bưng bê phục vụ món ăn.

Hiếu cho biết, 2 vợ chồng làm chung công ty, nhưng từ cuối năm 2022, do đơn hàng ít nên công ty giảm giờ làm của vợ. Rồi dần dần đến cả Hiếu cũng phải nghỉ luân phiên 3 ngày/tuần. Đến nay, công ty bắt đầu hồi phục đơn hàng trở lại thì vợ của Hiếu lại nghỉ thai sản, ở nhà chăm con nhỏ, gánh nặng tài chính chỉ mình Hiếu lo liệu.

Với thu nhập tháng từ 8-10 triệu đồng, Hiếu chi trả tiền phòng trọ, điện nước, sinh hoạt ăn uống là gần hết. Cho nên, có công việc chạy bàn sau giờ tan ca, mỗi tháng Hiếu kiếm được thêm khoảng 3 triệu đồng, giúp trang trải một phần chi phí cho gia đình. Anh Trịnh Minh Hiếu chia sẻ: “Mình cũng biết được hoàn cảnh hiện tại đang rất khó khăn nên phải cố gắng để cho tương lai con em mình tốt hơn chút xíu. Hiện nay tuổi em thì cũng đang con trẻ, bản thân em cũng ham công việc lắm, không muốn lãng phí thời gian chơi, phải cố gắng là sắp xếp thời gian để đi làm thêm”.

Không vướng bận gia đình, nhưng Khâu Thị Kim Thoa, 22 tuổi, quê Sóc Trăng lên TP.HCM làm công nhân, phải phụ giúp cha mẹ ở quê nuôi 2 đứa em ăn học. Thoa làm ở một công ty giày da 3 năm qua, lương mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, nếu có tăng ca và phụ cấp thì được hơn 8 triệu đồng.

Cuối năm 2022, công ty bị giảm đơn hàng, cắt giảm khá nhiều lao động nhưng Thoa được giữ lại. Thoa tìm được việc tại một nhà hàng gần chỗ thuê trọ. Đến nay, khi công ty dần có đơn hàng cả tuần, Thoa vẫn duy trì công việc làm thêm vào chủ nhật: "Giờ em đi làm từ thứ 2 đến thứ 7, cũng được đủ tuần. Riêng chi trả nhà trọ của em hết từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu, cả tiền điện nước. Em cũng ít đi chơi lắm, vì lo làm kiếm tiền không à. Đi làm suốt tuần rồi chủ nhật em cũng đi làm nữa, kiếm được 300 ngàn ngày chủ nhật”.

Nỗ lực bám trụ

Với chị Lê Thị Bích Trâm, quê Sóc Trăng, sau 14 năm làm công nhân ở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, mất việc làm là mất hẳn nguồn thu nhập ổn định. Số tiền được công ty bồi thường, chị cho vào khoản tiết kiệm để dành dụm mai sau sửa nhà, cho con học hành.

Sau khi đi tìm việc nhiều nơi nhưng chưa tìm được, chị tạm nhận việc gia công xếp túi nilon tại nhà. Mỗi túi xếp hoàn chỉnh, chị Trâm được trả 250 đồng, một ngày thu nhập của chị hơn 100 ngàn đồng.

Chị Trâm quyết tâm bám trụ lại thành phố, không muốn đảo lộn quá trình học tập của con và cũng hy vọng tìm lại công việc tương tự với việc ở công ty cũ: "Tại vì con cái cũng còn học ở đây và việc làm này tôi làm ở nhà cũng được nên tôi không có về quê và cũng chưa định về quê, giờ về quê cũng không có việc gì làm. Hồi tôi làm Pouyuen thì lương cơ bản thì cũng tầm 8.000.000. Về đây làm tháng có chừng 4.000.000, túc tắc kiếm cái khác thêm cũng được”.

Cũng quyết tâm bám trụ, gắn bó với công ty, thời gian qua, chị Nguyễn Thị Lan quê ở Nghệ An chi tiêu cho gia đình một cách dè sẻn bằng chút tiền tiết kiệm. Chị Lan có thâm niên 26 năm làm công nhân may tại Công ty Việt Tiến. Giờ thu nhập giảm do công ty đang khó khăn, chị Lan cố gắng xoay sở, tiết kiệm chờ ngày sản xuất phục hồi:

“Chưa bao giờ mà thấy khó khăn giống bây giờ. Kinh tế thì suy giảm, công việc thì làm khó hơn nhiều. Toàn nhận đơn hàng nhỏ lẻ với hàng khó làm, thu nhập thì giảm khoảng 30 %. Ăn tiết kiệm lại, mình chi tiêu hạn chế, phải chắt chiu lại chứ hai ba năm này đâu có dư đâu_ chị Lan nói.

Công nhân mong chờ có nhiều đơn hàng để làm thêm giờ, tăng ca, trang trải đủ cho cuộc sống (Ảnh minh họa K.D)

3 tháng đầu năm 2023, tại TP.HCM, số lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ hơn 27.300, thấp hơn cùng kỳ 6.000 người. Từ tháng 4 hồ sơ bắt đầu tăng dần. Cao điểm trong tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tiếp nhận hơn 17.000 trường hợp làm thủ tục, con số này ở tháng 9 là trên 11.300.

Tính đến ngày 28/9, TP.HCM có gần 123.700 người có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng từ 3-12 tháng, mức hưởng theo quy định là 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Để giúp người mất việc sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đã tổ chức nhiều sàn giao dịch, kết nối lao động và doanh nghiệp. Trung tâm cũng lập tổ phản ứng nhanh đến doanh nghiệp cắt giảm lao động số lượng nhiều tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho công nhân.

Các tin khác