Công nhân tất bật trên công trường Dự án Vành đai 3

(ĐTTCO) - Dưới cái nắng của những ngày cuối năm 2023 ở miền Nam, có lúc lên đến 39 độ C,  trên công trường thi công Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn qua Bình Dương, những tốp công nhân vẫn đang miệt mài làm việc để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Ở nút giao cầu Bình Gởi công nhân đang "đội nắng" gia công cốt thép cọc khoan nhồi (Ảnh: TL)
Ở nút giao cầu Bình Gởi công nhân đang "đội nắng" gia công cốt thép cọc khoan nhồi (Ảnh: TL)

Chạy đua tiến độ

Những ngày cuối năm, công trường thi công Dự án Vành đai 3, nút giao Bình Chuẩn (gói thầu XL2), cầu Bình Gởi (gói thầu XL4) đoạn qua Bình Dương, không khí làm việc rất nhộn nhịp.

Mặc cho trời nắng như “đổ lửa”, có lúc lên đến 39oC, nhưng những công nhân vẫn miệt mài buộc từng sợi thép, hàn từng đoạn sắt, đổ cọc nhồi… để chạy đua với thời gian.

Dự án đường Vành đai 3 ở nút giao Bình Chuẩn đang được triển khai thi công (Ảnh: TL)

Anh Nguyễn Đức Dũng (37 tuổi, quê Đăk Nông), công nhân đang thi công ở cầu Bình Gởi (gói thầu XL4) cho biết, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng ai cũng cố gắng khi có việc làm lo cho gia đình và vui hơn khi làm một công trình trọng điểm được cả nước quan tâm.

“Nói chung, tôi rất vui khi được làm tuyến đường lớn Vành đai 3. Làm công trường nào thì cũng mệt nhưng anh em giúp đỡ nhau hoàn thành công việc cho tốt. Cứ làm đến khi nào ốm, mệt thì nghỉ ngơi. Nói chung tình hình hiện nay, kinh tế suy thoái mà có công việc là vui rồi”, anh Dũng nói.

Theo kỹ sư thi công công trình, nắng ráo thuận lợi để thi công cầu đường nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của anh em công nhân. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ công nhân, nhà thầu đã áp dụng nhiều biện pháp chống nắng, nóng. Không chỉ bố trí khu vực nghỉ giữa giờ, các loại đồ uống giải nhiệt, thiết bị bảo hộ, chống nắng, công tác tổ chức thi công được nhà thầu đẩy lên sớm hơn vào buổi sáng, muộn hơn vào buổi chiều. Có đơn vị thì chia ca ngày, ca đêm để công nhân có thời gian nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Viết Tiến, tư vấn giám sát ở Nút giao Bình Chuẩn cho biết thêm: “Đảm bảo an toàn cho anh em công nhân trên công trường, hiện nay đã chia thành 2 ca, mỗi ca làm 30 người. Ca đêm từ 18h chiều đến 6h sáng, ca ngày thì từ 7h30 đến trưa nghỉ ngơi và chiều bắt đầu từ 13h30 đến 18h. Làm ban đêm có đầy đủ điện chiếu sáng, trong khi làm có đủ bảo hộ như ủng, mũ, nón, găng tay…”

Ở phần đường ngay nút giao Bình Chuẩn, công nhân đang đổ cống hộp (Ảnh: TL)

Do chủ động được nhân công và gỡ được nút thắt về mặt bằng nên các đơn vị thi công ở nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi đang thực hiện theo đúng tiến độ chủ đầu tư đưa ra.

Đến nay, phần cầu vượt ở nút giao Bình Chuẩn đã thực hiện xong 29 cọc khoan nhồi, trong đó có 8 cọc thử và 21 cọc đại trà, điểm tiếp theo là khơi mống làm bệ trụ T3 và T4. Còn phần đường do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Thái Sơn thực hiện cũng đang san ủi, làm các cống hộp.

Đối với cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn do Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam thi công đã đóng được 16/49 cọc nhồi. Đơn vị đang khoan cọc đại trà dưới nước.

Công nhân đang đục các cọc khoan nhồi chuẩn bị làm bệ đỡ cầu vượt ở nút giao Bình Chuẩn (Ảnh: TL).

Ông Nguyễn Quang Thắng, kỹ sư công trình cầu Bình Gởi cho biết, không chỉ chạy theo tiến độ mà chất lượng công trình cũng phải được đảm bảo. Do đó, các kỹ sư thay phiên nhau giám sát để không xảy ra sự cố. Mặt khác, động viên anh em công nhân hăng say làm việc, phía công ty cũng có những chế độ hỗ trợ: “Thời gian vừa rồi cũng đã bố trí đầy đủ nơi ăn uống, nghỉ ngơi và chi phí cho anh em để tích cực hoạt động và có năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có sức khỏe đầy đủ. Tiến độ sẽ bám sát theo kế hoạch đã trình chủ đầu tư. Do hạng mục hầm cầu thi công cũng khá vất vả nên sẽ làm việc liên tục, tức là 24/24 cho đến khi đưa vào sử dụng”.

Dưới cái nắng gắt nhưng công nhân ai cũng phấn khởi vì có việc làm ổn định và được làm công trình trọng điểm (Ảnh: TL)

Đường Vành đai 3, TP.HCM đi qua Bình Dương dài hơn 26km, điểm đầu là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Dự án có 15,3 km trùng với đường Mỹ Phước- Tân Vạn đã được Bình Dương đầu tư, đưa vào hoạt động, hiện còn lại gần 11km.

Dự án có quy mô đầu tư 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia mang tính kết nối Vùng được Trung ương chỉ đạo sát sao và được nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ kỳ vọng. Chính vì thế, nếu không tranh thủ đẩy nhanh từng hạng mục thì sẽ không đảm bảo thời gian hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Các tin khác