Từ trước 20-10, ghi nhận tại chốt kiểm soát giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM, nhiều người lao động từ Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk… đang quay trở lại TPHCM, có cả công nhân, nhân viên các doanh nghiệp, và cả lao động tự do.
Chị Thảo ở Tiền Giang, cho biết chị quay lại công ty sản xuất bánh kẹo của mình tại Khu công nghiệp Tân Tạo làm việc sau 3 tháng về quê do công ty tạm dừng hoạt động khi TP thực hiện giãn cách, công ty không đủ điều kiện để sản xuất 3 tại chỗ.
Hiện công ty chị đã khôi phục sản xuất, bắt đầu chạy đơn hàng cuối năm.
"Ở nhà thì yên tâm, nhưng nghĩ đến cảnh không lương từ đây đến Tết gia đình tôi khó sống nổi. Lương công nhân làm tháng nào ăn tháng nấy, công ty chỉ hỗ trợ 1 tháng tạm nghỉ đầu dịch, nên khi được trở lại làm việc, tôi đi ngay", chị Thảo cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, cho biết: Sau 3 tuần tái sản xuất, có khoảng 1.500 doanh nghiệp, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp FDI đã hoạt động trở lại. Ước tính, 60% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất với quy mô lên tới 83%. Đây được xem là tín hiệu tích cực khi TPHCM từng bước khôi phục nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TPHCM cho biết, đến thời điểm này, những doanh nghiệp nào trong ngành lương thực - thực phẩm trước đây tạm đóng cửa, nay đã quay lại sản xuất. Doanh nghiệp nào thực hiện "3 tại chỗ" giới hạn người lao động, nay công suất đã được giải tỏa, lên đến 80%.
Bà Chi cũng thông tin lao động ngành chế biến lương thực, thực phẩm không thiếu hụt nhiều, do trong dịch, các doanh nghiệp phần lớn thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo hàng hóa cung ứng cho thị trường. Có một số người lao động tạm nghỉ việc về quê thì doanh nghiệp cũng đã gọi trở lại khi TP nới giãn cách.
Từ đầu tháng 10, doanh nghiệp trong ngành đã hết sức hỗ trợ người lao động quay lại công ty làm việc, như cấp giấy đi đường, đăng ký tiêm ngừa Covid-19 cho những người chưa tiêm ngay khi trở lại thành phố, để đủ điều kiện đi làm.
Cũng theo Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TPHCM, sau khi TPHCM ban hành Chỉ thị 18 và mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, thống nhất các quy định chống dịch theo hướng "Sống chung, thích ứng an toàn với Covid 19" trên phạm vi cả nước, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi. Sau nửa tháng, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang dần ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều khó khăn với nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng thiếu yếu này, theo bà Chi, là nhu cầu vốn trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, nhất là đang bước vào mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, cũng như chuẩn bị cho đơn hàng Tết. Trong đó, nhu cầu thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho thị trường Giáng sinh và Tết Nguyên đán rất lớn.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, đã có hơn 200 doanh nghiệp liên hệ để tuyển dụng, kết nối người lao động với hơn 50.000 chỉ tiêu việc làm.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, đã có 151.000 người lao động quay lại TPHCM làm việc, nâng tổng số lao động làm việc tại hơn 1.400 doanh nghiệp đang khởi động lại là 215.000 người, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, chế biến...
Từ nay đến cuối năm, TPHCM cần khoảng 60.000 lao động và ngay sau Tết Nguyên đán cần thêm 120.000 lao động phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.