Công tác quy hoạch còn quá nhiều bất cập

(ĐTTC) - Ngày 29-8, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của cá nhân, tổ chức, chuyên gia về dự thảo Luật Quy hoạch.

(ĐTTC) - Ngày 29-8, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của cá nhân, tổ chức, chuyên gia về dự thảo Luật Quy hoạch.

Tại hội thảo, đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, một con số quá lớn về số lượng quy hoạch cũng như kinh phí để lập ra nó trong thời kỳ 2011 – 2020.

Cụ thể, có tới 19.837 quy hoạch các loại, riêng tổng kinh phí để lập ra các quy hoạch này phải chi tới 9.647 tỷ đồng. Gần như tất cả những quy hoạch 2011 – 2020 đều có vấn đề, thậm chí rất nhiều bất cập đã được chỉ ra.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT) chỉ ra 3 tồn tại cơ bản trong công tác quy hoạch hiện nay. Đó là lập quá nhiều quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối và còn nhiều chồng lấn, mẫu thuẫn.

Thứ hai là chất lượng và hiệu lực của quy hoạch quá thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện dẫn tới quy hoạch kém hiệu quả, không khả thi. Cuối cùng là việc tổ chức thiết lập và thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, thiếu kịp thời; quản lý lỏng lẻo, thiếu đầu mối. 

TS. Phạm Sĩ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, cho rằng với một quy hoạch tổng thể xa rời thực tế, nguồn lực nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi gần 20 ngàn quy hoạch còn lại sau khi được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng đều thiếu hiệu quả, gây lãng phí ngân sách lớn.

TS. Liên nói: “Quy hoạch ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ông nào biết ông đó, cảng biển chỉ chú ý đến biển, hàng không chỉ chú ý đến hàng không. Nhưng nguy hại hơn, là quy hoạch ở Việt Nam trong thời gia qua lúc nào cũng đi sau thực tiễn”.

TS. Phạm Sĩ Liêm đề xuất cần có một tầm nhìn chiến lược, phải rà soát lại quy hoạch hiện nay, đặc biệt các quy hoạch cấp tỉnh, ngành đang chồng chéo nhau. Ở cấp quốc gia, dồn sức tiến hành lập quy hoạch tổng thể đến 2030, tầm nhìn 2050.

Theo Bộ KH-ĐT, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án theo quy hoạch 2011 – 2020 là khoảng 295–305 tỷ USD. Tuy nhiên, ước tính tỷ lệ nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Các tin khác