Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên cho biết, cử tri phản ánh nhiều về loại hình đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần, uy hiếp đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người đi vay.
Các doanh nghiệp này dù hiện đang được cấp phép kinh doanh nhưng hoạt động không lành mạnh, hành vi mang tính chất côn đồ, nhân viên dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với người đang rơi vào cảnh nợ nần. Thời gian qua đã có một số bài viết phản ánh trên báo chí lên án về hành động đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Đồng thời, đặt nghi vấn về hình thức đòi nợ thuê này đã gián tiếp gây nên cái chết của một công dân tại TPHCM.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bức xúc: “Đằng sau cái chết đó là hoạt động của một số công ty tài chính. Người nhà của nạn nhân cho biết, băng nhóm đòi nợ đã liên tục có mặt tại nhà và lớn tiếng, chửi bới, đụng tay đụng chân và đe dọa đánh chết trước mặt 2 đứa con nhỏ”.
Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nội dung này đã được nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra số 2744 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Không có điều khoản nào lại cho phép một loại hình kinh doanh bất lương, bất nhân như thế; không có pháp luật nào lại cổ vũ cho kiểu kinh doanh làm ăn mà lãi suất như cắt cổ người vay.
Dịch vụ cho vay thông qua các công ty tài chính trong đó có cả công ty trực thuộc ngân hàng thương mại mà lãi suất còn cao hơn cả tín dụng đen. Trường hợp công ty cho vay tiền mặt, có công ty bán hàng và liên kết với các ngân hàng cho người tiêu dùng mua hàng với các điều kiện khá đơn giản, đến khi trả tiền công ty tài chính liên kết với các dịch vụ đòi nợ bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ nhẹ đến nặng, từ quấy rối bằng các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, cho đến lớn tiếng đe dọa, khủng bố tinh thần với các thủ đoạn. Thậm chí gán ghép những hình ảnh dung tục, gửi đến người nhà nhằm bôi nhọ hình ảnh con nợ, làm liên lụy đến gia đình… đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.
Kinh doanh đa cấp, tín dụng đen đã “gõ cửa” từng nhà, đặt dịch vụ tận tay người dân bằng hàng trăm app, số điện thoại..., với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, những lời mời gọi hết sức nhân ái, tốt đẹp, như một chiếc phao cứu người đuối nước. Nhưng chưa kịp bơi vào bờ thì người dân lại trở thành nạn nhân đuối nước từ chính chiếc phao cứu sinh.
"Để có cơ sở cho cơ quan chức năng vào cuộc, người dân phải làm đơn tố cáo, nhưng cái khó của người dân là ở chỗ ai là người cho vay đứng sau, ai là người khủng bố, người đứng sau công ty tài chính đòi nợ là ai bởi họ thường sử dụng sim rác. Dư luận xã hội, cử tri bất bình việc đòi nợ thuê hay app đa cấp vẫn ngang nhiên diễn ra vẫn tồn tại trong đời sống xã hội" - bà Hiền đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, một người dân bình thường, hiểu biết công nghệ yếu kém nhưng tiếp cận các app dễ dàng, trong khi đó các cơ quan chức năng lại không thể kiểm soát được, đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên đặt câu hỏi?
Những hành vi nguy hiểm này cần có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ cơ quan bảo vệ pháp luật và Quốc hội phải là cơ quan giám sát. Bởi, động tới sinh mạng con người, ép họ đến bước đường cùng thì pháp luật không thể bỏ qua. Các hiện tượng có hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản đang dần bộc lộ thời gian qua, thay vì chờ người dân tố cáo, nếu cơ quan chức năng cần vào cuộc.
“Nguyên tắc có nợ phải trả nhưng xử lý và giải quyết như thế nào phù hợp với quy định của pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà một người đàn ông là lao động chính của gia đình bỏ lại vợ con nếu không bị dồn vào bế tắc. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan chưa thật sự tốt” - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.