Công ty tài chính: Khởi động tái cơ cấu

Sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) mới có các NHTM được tái cơ cấu, trong khi các công ty tài chính (CTTC) được đánh giá yếu kém toàn diện vẫn chưa được xử lý. Đầu năm nay, NHNN thông báo sẽ mở rộng diện tái cơ cấu trong hệ thống và hoạt động tái cơ cấu CTTC đang đi những bước khởi động.

Sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) mới có các NHTM được tái cơ cấu, trong khi các công ty tài chính (CTTC) được đánh giá yếu kém toàn diện vẫn chưa được xử lý. Đầu năm nay, NHNN thông báo sẽ mở rộng diện tái cơ cấu trong hệ thống và hoạt động tái cơ cấu CTTC đang đi những bước khởi động.

Khó khăn bủa vây

Trước đây, hệ thống các TCTD có 18 CTTC, gồm 12 CTTC trong nước (4 công ty TNHH MTV do các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước làm chủ sở hữu và 8 CTCP trong đó các TĐ, TCT nhà nước có cổ phần trên 25%) và 6 CTTC 100% vốn nước ngoài.

Các CTTC trong nước hoạt động theo mô hình công ty con của các TĐ, TCT với mục đích hỗ trợ nguồn vốn cho công ty mẹ đầu tư phát triển dài hạn, là công cụ để thay mặt công ty mẹ thực hiện điều hòa vốn nội bộ. Tuy nhiên, dù có điểm tựa là công ty mẹ, được giao đảm nhận việc đáp ứng tài chính, thu xếp vốn và huy động được nguồn vốn rẻ từ các đơn vị thành viên, nhưng trước sự cạnh tranh của các NHTM, CTTC đã dần đuối sức bởi các doanh nghiệp thành viên chuyển sang hợp tác với NHTM để được đáp ứng vốn tốt hơn. Thậm chí, ngay cả các TĐ, TCT đã sở hữu CTTC còn đầu tư vốn vào các NHTM bởi khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động cao.

Để gỡ khó, nhiều CTTC đã mở rộng hoạt động cho vay mua tiêu dùng, vay trả góp, liên kết với các NH, công ty bảo hiểm phát triển các dịch vụ tiện ích, nhưng không thu được nhiều kết quả do sức ép cạnh tranh của các CTTC có vốn đầu tư nước ngoài quá lớn.

Sự giảm sút sức khỏe của các CTTC trong nước thể hiện rõ ràng nhất năm 2011, khi tổng tài sản của nhiều đơn vị sụt giảm mạnh so với năm trước đó, như CTTC Cổ phần Điện lực giảm hơn 5.200 tỷ đồng, CTTC Cổ phần Handico (HAFIC) giảm hơn 2.300 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) giảm 820 tỷ đồng, CTTC Cổ phần Sông Đà (SDFC) giảm 369 tỷ đồng.

Theo lý giải của một số đơn vị, sự sụt giảm này ngoài nguyên nhân cân nhắc cho vay, đầu tư bởi lo ngại nợ xấu, còn do căng thẳng thanh khoản khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, không thể hút vốn huy động từ kênh tiền gửi dân cư, doanh nghiệp lẫn kênh trái phiếu. Tổng kết năm 2013, hoạt động của các CTTC cũng không có nhiều tín hiệu khả quan, như SDFC chỉ lãi 900 triệu đồng, CTTC Công nghiệp Tàu thủy bị kiện do mất khả năng thanh toán, không trả được gốc và lãi huy động cho khách hàng…

Theo các chuyên gia kinh tế, dù hoạt động kém hiệu quả nhiều năm liền trong khi hệ thống các TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng do nguy cơ đổ vỡ và mức độ ảnh hưởng của các NHTM đối với nền kinh tế, NHNN ưu tiên thực hiện tái cấu trúc các NHTM trước, sau đó sẽ mở rộng diện tái cơ cấu. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho biết sẽ có 6 CTTC hoạt động yếu kém thực hiện tái cấu trúc trong thời gian tới.

Mua lại có rủi ro?

Trước khi NHNN thông báo về việc tái cấu trúc CTTC, trên thị trường đã có một số thương vụ mua bán sáp nhập đã hoàn thành. Cụ thể, tháng 10-2013, Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) và Western Bank đã sáp nhập thành Pvcombank. Sau đó, HDBank cũng đã công bố mua lại 100% vốn của CTTC Việt Société Générale (SGVF), chuyển thành công ty con thuộc HDBank.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) bán 100% vốn điều lệ tại CMF cho VPBank. NHNN cũng đã chấp thuận nguyên tắc cho VPBank thực hiện thương vụ này và chấp nhận cho CMF đổi tên thành CTTC TNHH MTV VPBank. Trong đại hội cổ đông năm 2014, SHB, MaritimeBank cũng hé lộ khả năng mua lại một CTTC nhưng chưa nêu rõ đơn vị nào.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, các giao dịch này sẽ mở đầu xu hướng các định chế Việt Nam mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn tài chính - NH nhằm giảm số lượng các định chế tài chính trong xu hướng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam. Việc các NHTM tham gia mua bán, sáp nhập với các CTTC bởi các NHTM tại Việt Nam đang cạnh tranh hướng tới dịch vụ NH bán lẻ, trong khi các TĐ, TCT lại có nhu cầu thoái vốn ngoài ngành theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, mua lại SGVF nằm trong chiến lược phát triển bán lẻ của HDBank. Trong khi đó, lãnh đạo VPBank cho biết việc Vinacomin bán lại phần vốn tại CMF cho VPBank nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT nhà nước, tái cơ cấu hệ thống TCTD, đồng thời hiện thực hóa định hướng tập trung cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, là một phần chiến lược bán lẻ của VPBank để NH này thực hiện mục tiêu trở thành 1 trong 3 NHTMCP bán lẻ hàng đầu vào năm 2017.

Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH

Dù đã có những thương vụ giao dịch hoàn thành nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều nghi ngại về việc các NH mua bán, sáp nhập với các CTTC của TĐ, TCT nhà nước. Bởi trong khi Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Crédit) với vốn góp cũng chỉ 550 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt đến 711 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của một số NHTMCP tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong khi các CTTC ngoại đang dần chiếm lĩnh các siêu thị, trung tâm mua sắm, bán lẻ và có được lượng khách hàng rất lớn, các CTTC trong nước cũng với vốn điều lệ như vậy, nhưng sau nhiều năm hoạt động đã gánh khoản nợ xấu khá cao, khách hàng và mạng lưới chi nhánh quá ít. Trước nay, chỉ có PVFC có 26 điểm giao dịch, một vài CTTC có khoảng 3-7 điểm giao dịch và nhiều đơn vị chỉ có 1 điểm giao dịch. Hơn nữa, nhiều đơn vị lại đang thua lỗ lớn trong vài năm trở lại đây, nên nhiều ý kiến cho rằng nếu NHTM thực hiện các phương án mua bán, sáp nhập có thể kéo theo nhiều khó khăn cần xử lý khi vận hành.

Sau khi HDBank mua lại SGVF đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn tham gia với tư cách là đối tác chiến lược của công ty này. Nhưng với những yếu kém hiện tại của các CTTC trong nước, nếu NHTM mua lại để tái cấu trúc, khả năng đối tác ngoại muốn tham gia đầu tư vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Các tin khác