COVID-19 chấm dứt ảnh hưởng Trung Quốc lên phương Tây?

(ĐTTCO) - Cách ứng xử của Trung Quốc hiện nay sẽ là thông tin và cơ sở để Mỹ cùng phương Tây đánh giá lại quan hệ với nước này giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc (TQ) liên tục lời qua tiếng lại xoay quanh nguồn gốc khởi phát của virus gây dịch COVID-19 và trách nhiệm làm bùng phát đại dịch toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) cũng không đứng ngoài cuộc khi lên tiếng ủng hộ mở điều tra độc lập về COVID-19.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy căng thẳng hai bên đang không ngừng leo thang và trong tương lai hậu đại dịch sẽ là cơ sở để Mỹ cùng phương Tây đánh giá lại quan hệ với cường quốc châu Á này.

Quan hệ Mỹ-Trung lên bàn cân

Theo quan sát của nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, căng thẳng hiện nay đang mở đường cho quan điểm bài Trung len lỏi vào sâu trong giới lãnh đạo Mỹ. Quốc hội Mỹ trở thành nơi công kích TQ, trong khi Nhà Trắng đang đứng giữa ngã ba đường về cách ứng xử trước TQ: Nên cứng rắn hơn hay siết chặt hợp tác, nhất là trong vấn đề thương mại.

Đơn cử, một số ý kiến lâu nay cổ vũ cho việc chia tách hai nền kinh tế Mỹ, TQ lập luận rằng giai đoạn hiện nay dưới tác động của đại dịch đã tạo ra một cơ hội hiếm có để thực hiện điều này.

“Ba tháng trước, tôi có thể đã nhận định việc chia tách kinh tế Mỹ, Trung là không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, môi trường chính trị đã thay đổi. Tâm lý phẫn nộ từ những thiệt hại do dịch COVID-19 đã mở ra cánh cửa để đánh giá lại quan hệ Mỹ-Trung” - học giả Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) bình luận.

COVID-19: Hồi kết cho ảnh hưởng Trung Quốc lên phương Tây? - ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump đến Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: REUTERS

Nếu nhận định của ông Scissors chính xác thì rất có thể thế giới thời gian tới sẽ chứng kiến Mỹ gia tăng sức ép lên TQ trong những lĩnh vực nhạy cảm của quan hệ hai nước, từ đánh cắp sở hữu trí tuệ, rút các chuỗi cung thiết yếu với an ninh quốc gia của Mỹ về nội địa cho tới đáp trả việc TQ mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông.

Một vấn đề khác cũng được chính giới Washington quan tâm là làm thế nào để buộc TQ phải bồi thường những thiệt hại do COVID-19 gây ra. Hiện phương án được xem khả dĩ nhất là tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của TQ để từ đó các bang và cá nhân bị thiệt hại từ COVID-19 có thể khởi kiện TQ thành công.

Theo chuyên gia Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ và các nước khác hoàn toàn có cơ sở để quan ngại về độ minh bạch thông tin của TQ về giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát. Tuy nhiên, cơ hội để khởi kiện TQ thành công là rất thấp vì Bắc Kinh đến nay đều bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến COVID-19 của cộng đồng quốc tế và trong trường hợp thắng kiện thì cũng không có cơ quan nào đủ thẩm quyền để buộc TQ thi hành phán quyết.

Dù Mỹ và Liên minh châu Âu đều cùng đối mặt với vấn đề trong quan hệ với TQ, hai bên đều có cách tiếp cận rất khác nhau, tùy theo mức độ tham vọng và quy mô nền kinh tế của mỗi bên.

Chuyên giaWENDY CUTLER,Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ)

EU và Trung Quốc vào thế khó

Năm 2020 từng được đánh giá sẽ là năm chiến thắng của TQ và EU với một loạt thượng đỉnh cấp cao được lên kế hoạch tổ chức. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của COVID-19, mọi thứ đều trở nên mơ hồ, theo tờ Newsweek.

Hồi tháng 4, Thụy Điển bất ngờ cho đóng cửa tất cả Học viện Khổng Tử - trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của TQ trên toàn quốc và là quốc gia đầu tiên tại châu Âu có động thái này. Một số TP ở Thụy Điển cũng chấm dứt các thỏa thuận liên kết với các thành phố của TQ.

Đến đầu tuần trước, Đại sứ EU tại TQ Nicolas Chapuis đã bị chỉ trích vì đồng ý cho một tờ báo ở Bắc Kinh chỉnh sửa một bài viết của các nhà ngoại giao EU trước khi đăng tải. Bài viết có một đoạn nói rằng COVID-19 bắt nguồn từ TQ và tờ báo này yêu cầu được xóa đi.

“Cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ làm tăng thái độ nghi ngờ với TQ của EU, đẩy mối quan hệ hai bên ngày càng phức tạp. TQ dường như đã mất đi châu Âu” - Giám đốc Chương trình châu Âu thuộc Quỹ Hòa bình Carnegie (Mỹ) Erik Brattberg nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia John Seaman thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp cho rằng đại dịch COVID-19 nổ ra ngay vào thời điểm quan hệ thương mại TQ-EU bước vào giai đoạn nhạy cảm sau khi Ủy ban châu Âu hồi năm ngoái công khai chỉ trích TQ là đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống với EU.

Một cuộc khảo sát với hơn 12.000 người tham gia khắp 28 nước thành viên EU hồi tháng 2-2020 do tổ chức Bertelsmann Stiftung (Đức) cho thấy 45% người châu Âu coi TQ là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, trong khi chỉ 9% cho rằng EU có cùng lợi ích chính trị và giá trị với TQ.

“Tôi nghĩ châu Âu khá bối rối khi phải tự đặt mình vào vị trí chọn Mỹ hay TQ. Họ muốn tiếp tục có một mối quan hệ về an ninh và kinh tế mạnh mẽ với Washington nhưng cũng muốn tiếp tục hợp tác thương mại với TQ. Dù vậy, EU sẽ phải sớm cân nhắc hai thực tế này và đưa ra quyết định độc lập với cả Mỹ và TQ” - chuyên gia Wendy Cutler thuộc Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ) nhận định.

Đầu tư Trung Quốc vào Mỹ thấp nhất trong 10 năm qua

TờUSA Todayngày 12-5 dẫn báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn rủi ro Rhodium Group cho biết đầu tư trực tiếp của TQ vào Mỹ trong ba tháng đầu năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 200 triệu USD, bằng 1/10 con số 2 tỉ USD bình quân mỗi quý của năm 2019. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Mỹ dường như không chùn tay khi vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp nước này vào TQ trong ba tháng đầu năm 2020 đạt 2,3 tỉ USD.

Ngoài ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19, bản báo cáo cho rằng sở dĩ đầu tư TQ suy giảm là do những hạn chế của quốc gia này đối với vốn đầu tư ra nước ngoài, trong khi Mỹ siết chặt kiểm soát các nguồn tiền từ TQ.

Các tin khác