Trong 2 năm qua, Washington đã dành nhiều nỗ lực thuyết phục các nước châu Âu về cái mà Mỹ gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại quốc tế và công nghệ. Nhưng các nỗ lực này của Mỹ chỉ thu được thành công hạn chế. Vì nhiều đồng minh của Mỹ cảm thấy khó chịu với phong cách ngoại giao kiểu áp đặt của Mỹ.
Nhưng còn có một lý do nữa là nhiều nước châu Âu lo sợ sẽ đánh mất quan hệ thương mại nhiều giá trị với Trung Quốc. Do vậy, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được đồng thuận trong chiến lược chung về Trung Quốc.
Cờ Mỹ, Trung Quốc, và EU. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 mới xuất hiện có thể khiến Mỹ và EU trở nên đoàn kết hơn trong cách nhìn nhận Trung Quốc.
Thứ nhất, hiện nay đại dịch này đã khiến hàng ngàn người Mỹ và châu Âu chết mỗi ngày. Mà dịch Covid-19 lại khởi phát ở Trung Quốc, và trong giai đoạn đầu của dịch, Trung Quốc đã xử lý không hiệu quả khiến dịch bùng phát mạnh. Trung Quốc còn bị Mỹ cho là đã tác động lên Tổ chức Y tế Thế giới để tổ chức này chậm công bố đại dịch.
Sau khi dịch bùng phát dữ dội ở Trung Quốc, chỉ một thời gian sau đó, những điều kinh khủng đã tái diễn ở Mỹ và các nước EU: Bệnh viện quá tải, bệnh nhân tử vong hàng loạt, kinh tế bị đình đốn nghiêm trọng. Những điều này có lẽ người dân châu Âu sẽ rất khó quên.
Thứ hai, dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ một điều: Nền kinh tế nhiều nước EU cũng như nền kinh tế Mỹ phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc kéo theo các rủi ro quá lớn như trong tình trạng khủng hoảng y tế hiện nay ở châu Âu. Một khi khủng hoảng Covid-19 qua đi, nhiều khả năng các hãng của Mỹ và châu Âu sẽ phải giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa quá trình sản xuất của mình, tăng cường đầu tư từ các đối tác khác ngoài Trung Quốc.
Thứ ba, có một thực tế là vừa rồi Covid-19 đã vô tình tạo điều kiện cho Trung Quốc gây ảnh hưởng trên thế giới. Đã vậy, thời gian qua, Trung Quốc còn lợi dụng tình hình Covid-19 để thực hiện nhiều động thái nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc trợ giúp cho châu Âu lại mang tính định hướng rất cao trong đợt dịch Covid-19. Họ ưu tiên vận chuyển khẩu trang và máy thở cho các nước như Italy và Hungary – đây là những nước hưởng ứng Dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhưng lại tránh hỗ trợ các quốc gia đã né tránh dự án này của Trung Quốc.
Do vậy học giả người Mỹ Wess Mitchell – chuyên gia về chính sách đối ngoại và từng làm nhà ngoại giao, cho rằng cả Mỹ và EU cần tăng cường đối thoại với nhau để làm giảm các hạn chế đối với việc mua bán thiết bị y tế giữa hai bờ Đại Tây Dương và cải thiện các cơ chế của NATO để tăng cường sự kiên cường của các xã hội phương Tây và khả năng của họ trong quản lý khủng hoảng.
Wess Mitchell nhận định Mỹ và châu Âu buộc phải đoàn kết thì mới cạnh tranh nổi với Trung Quốc trên các lĩnh vực như 5G và cuộc chạy đua vũ trang sử dụng trí tuệ nhân tạo.