Sáng 13-4, hình ảnh một người đàn ông nước ngoài đeo khẩu trang đứng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương với tấm biển “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!” đã khiến người dân TPHCM nói riêng và người dân cả nước nói chung có nhiều cảm xúc rối bời khác nhau.
Bằng sự hào hiệp vốn có, những người dân đô thị phương Nam lập tức rút ví giúp đỡ. Và cũng rất tự trọng, người đàn ông nước ngoài đã không lợi dụng lòng tốt của thiên hạ mà chỉ nhận vừa đủ kinh phí để cầm cự cuộc sống.
Người đàn ông nước ngoài ấy tên là J.D, quốc tịch Anh, đang làm giáo viên hợp đồng tại một trung tâm Anh ngữ. Do ảnh hưởng Covid-19, cơ sở mà ông J.D đang cộng tác đóng cửa 2 tháng qua, và ông J.D đành chọn giải pháp bất đắc dĩ nhất.
“Tôi là giáo viên mà phải làm điều đó, nhưng thật sự không có sự lựa chọn nào khác. Tôi chỉ mới nảy ra ý nghĩ này vào cuối tuần trước khi tiền tiết kiệm đã cạn. Tôi ra đường đứng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Lý do duy nhất khiến tôi làm được việc này là vì tôi đeo khẩu trang. Mọi người không nhận ra tôi là ai. Thật sự, tôi rất xấu hổ nhưng tôi không còn biết phải làm gì. Tôi phải sống!”- ông J.D chia sẻ.
Đúng, “phải sống” là một nhu cầu thiết yếu của con người. Không phải ai cũng có bát ăn bát để có thể đủ tồn tại qua đại dịch toàn cầu. Người TPHCM vốn từ tứ xứ tụ về tha hương cầu thực, nên họ rất thấu hiểu điều ấy. Họ đã dang tay ra với ông J.D bằng tất cả sự chân thành và thương mến.
Khi hình ảnh ông J.D xuất hiện trên truyền thông, nhiều người lập tức tìm đến ngã tư Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương để tương cứu, mà không thấy ông J.D nên họ đã đến tận nhà trọ của ông J.D nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ để bày tỏ sự san sẻ lúc hoạn nạn.
Câu chuyện của ông J.D một lần nữa chứng minh tinh thần tương thân tương ái vẫn dạt dào trong trái tim người Việt Nam. Không chỉ người Việt Nam yêu thương người Việt Nam, mà người Việt Nam còn dành tình cảm cho người nước ngoài gặp khó khăn khi đến Việt Nam.
Nét đẹp đó không phải bây giờ mới có, mà đã được hình thành từ lâu.
Trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong”, nhà truyền giáo người Italia - Cristoforo Borri (1583-1623) đã miêu tả lối hành xử ấn tượng của người Việt ở thế kỷ 16 như sau: “Có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ “đói”, có nghĩa là tôi đói. Vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu “đói”, thì tất cả người dân đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi chúa cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ mà ở đó họ gặp được những người rộng rãi, cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc. Cuối cùng, người thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập thì họ mới chịu sửa soạn xuống tàu, đem chất trong tàu thóc gạo họ đã xin được”.
Trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong”, nhà truyền giáo người Italia - Cristoforo Borri (1583-1623) đã miêu tả lối hành xử ấn tượng của người Việt ở thế kỷ 16 như sau: “Có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ “đói”, có nghĩa là tôi đói. Vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu “đói”, thì tất cả người dân đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi chúa cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ mà ở đó họ gặp được những người rộng rãi, cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc. Cuối cùng, người thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập thì họ mới chịu sửa soạn xuống tàu, đem chất trong tàu thóc gạo họ đã xin được”.
Khi gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ chưa kịp đến tay người nghèo, thì “lá rách ít” đã tự nguyện đùm bọc “lá rách nhiều”. Thí dụ sinh động nhất là từ một máy “ATM gạo” của ông Hoàng Anh Tuấn ở số 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TPHCM đã kích hoạt thêm nhiều máy “ATM gạo” khác tại huyện Bình Chánh và quận 12. Chưa hết, những dòng chảy nhân ái của máy “ATM gạo” lại được hình thành ở Bình Thuận và nhiều tỉnh khác.
Lòng tốt chưa bao giờ có giới hạn. Trong khốn khó, lòng tốt càng khiến con người trở nên cao thượng hơn. Dù tại những máy “ATM gạo” có cả những người đi xe tay ga đến nhận gạo, nhưng không ai nỡ trách giận. Bởi lẽ, ai dám chắc những người đi xe tay ga không phải đang bí bách vì mất việc làm, mất thu nhập?
Mặt khác, khi đã cho đi thì chẳng thể nào vạch ra đường biên khắt khe đối với người nhận. Dẫu người nhận là ai thì hành động bố thí cũng đã được thực hiện một cách tử tế và trân trọng.
Tuy nhiên, giữa đại dịch cũng nảy sinh không ít vướng mắc về quyền lợi giữa người với người. Gây ồn ào trên mạng xã hội là một video-clip tranh chấp 50 triệu đồng tiền cọc giữa chủ nhà và người thuê nhà nằm trên đường Thích Minh Nguyệt, quận Tân Bình - TPHCM.
Vụ việc có thể hình dung như sau: Cô KL thuê nhà của bà NTD với số tiền 22 triệu đồng/ tháng để ở và cho thuê lại trong thời gian 2 năm. Vì Covid-19, cô KL không kham nổi tiền thuê nên xin trả lại nhà dù chưa hết hợp đồng thuê. Bà NTD đã đuổi cô KL ra khỏi nhà và không cho nhận lại tiền cọc 50 triệu đồng, với lý do đã vi phạm hợp đồng. Hai bên tranh cãi gay gắt và công an phường đã phải có mặt để hòa giải.
Về lý, bà NTD hoàn toàn đúng. Còn về tình, nhiều người đứng về phía cô KL, dù hợp đồng không công chứng thì vẫn có giá trị pháp lý. Nếu kiện ra tòa thì bà NTD chỉ bị phạt tội trốn thuế thu nhập từ nguồn lợi cho thuê nhà.
Theo phân tích của giới luật sư, đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và thanh lý hợp đồng, đòi lại tiền cọc thì trong thời điểm dịch bệnh như thế này, người thuê nhà hoàn toàn có quyền căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự để yêu cầu thanh lý hợp đồng và đòi lại số tiền cọc theo quy định.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải ai đúng ai sai, mà là tình người trong điều kiện dịch bệnh bất khả kháng. Hành vi của bà NTD có thể không vi phạm pháp luật, nhưng hơi bất cận nhân tình. Bởi lẽ, đã có rất nhiều chủ nhà trọ ở Bình Dương không chỉ miễn tiền thuê trong thời gian chống Covid-19 mà còn tặng thêm thực phẩm cho khách trọ. Tiền thì biết kiếm bao nhiêu cho đủ, 50 triệu đồng cũng không làm ai giàu lên, nhưng đối xử với nhau tệ bạc thì lại làm nghèo đi phẩm giá con người.
Covid-19 làm tổn hại đời sống kinh tế, và vẫn tiếp tục thử thách ấm lạnh tình người. Thế nhưng, sự lương thiện chưa bao giờ mất đi trên cõi đời này. Trong đại dịch toàn cầu, sự lương thiện càng phải được kiên trì gìn giữ. Ý niệm “bầu ơi thương lấy bí cùng” vẫn nảy nở khắp nơi. Người có nhiều thì giúp nhiều, người có ít thì giúp ít, miễn sao đồng bào có thể vượt qua cơn túng quẫn đói cơm lạt muối.