"Chúng tôi đang làm hết sức mình. Xin lỗi Manila. Chính phủ không còn có thể tài trợ lương thực và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Tôi không thể cung cấp thức ăn và tiền bạc cho mọi người nữa" – ông Duterte phát biểu trên truyền hình.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng lưu ý không nên so sánh nước ông với các quốc gia khác vì Manila không có nhiều ngân sách dự trữ.
Ngoài ra, ông Duterte ra lệnh khôi phục các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn ở Manila - nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người - sau khi Philippines tăng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày thứ tư liên tiếp. Hạn chế sẽ áp đặt từ ngày 4 đến 18-8. Chỉ những người mua nhu yếu phẩm và đi làm mới được phép rời khỏi nhà.
Đáng lo ngại hơn, các nhân viên y tế cảnh báo về việc hệ thống chăm sóc sức khỏe của Philippines có thể "thất thủ".
Bộ Tài chính Philippines (DOF) hồi tháng 7 công bố các khoản vay của chính phủ đã đạt mức 1,22 ngàn tỉ peso (24,8 tỉ USD) trong 4 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh nước này tăng cường phụ thuộc vào các khoản vay để tài trợ cho sáng kiến đáp ứng và phục hồi kinh tế.
Vào tháng 6, Philippines cam kết ít nhất 5,758 tỉ USD các khoản vay để hỗ trợ nỗ lực chống lại dịch Covid-19. Dữ liệu mới nhất cho thấy khoản nợ tồn đọng của chính phủ đã tăng lên mức kỷ lục 9,054 ngàn tỉ peso (184 tỉ USD) vào cuối tháng 6.
Mới tháng trước, ông Duterte một lần nữa đề cập tới khả năng bán tài sản của Philippines để lấy tiền mua vắc-xin phòng chống Covid-19 một khi nó được bào chế thành công. Ông Duterte từng đề cập đến khả năng như vậy vào tháng 4 và cho biết sẽ xem xét nếu các quỹ cho cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 cạn kiệt.
Hôm 2-8, Bộ Y tế Philippines báo cáo 5.032 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 103.185. Với tỉ lệ lây nhiễm hiện nay, Philippines được dự báo sẽ vượt qua Indonesia về tổng số ca nhiễm trong tuần này và trở thành tâm dịch Covid-19 mới tại Đông Nam Á.