Tại Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê ngày 29-8, cơ quan này cho biết CPI tháng 8-2021 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,51% so với tháng 12-2020. Nếu so với tháng 8-2020, CPT tăng 2,82%.
Nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 8 tăng là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước và 4 nhóm giảm giá. Có 3 nhóm giữ giá ổn định (gồm nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
Trong 4 nhóm hàng tăng giá thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8-2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất, với 0,74% (đẩy CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm), do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao, ngoài ra giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm.
Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Báo cáo cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8-2021 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức CPI bình quân chung.
Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Cũng trong tháng 8, giá vàng trong nước ghi nhận biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.
Chỉ số giá vàng tháng 8-2021 giảm 0,49% so với tháng trước và giảm 1,65% so với tháng 12-2020. Nếu so với cùng kỳ 2020 giảm đến 3,02%.
Chỉ số giá USD tháng 8 giảm 0,44% so với tháng trước và giảm 0,67% so với tháng 12-2020. So với cùng kỳ 8 tháng năm 2020, chỉ số USD giảm 0,92%.