'Cú đấm' thuế có đủ sức thúc đẩy phục hồi kinh tế?

(ĐTTCO) - Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, một số chính sách giảm thuế đang được xem xét trình Quốc hội, như giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu đến hết năm sau.
Giảm thuế VAT sẽ kích thích thêm tiêu dùng, tạo động lực cho DN sản xuất.
Giảm thuế VAT sẽ kích thích thêm tiêu dùng, tạo động lực cho DN sản xuất.

Những “cú đấm” về thuế được kỳ vọng sẽ “phá tường thành sức mua, hỗ trợ phục hồi sức khoẻ DN, giúp tăng trưởng nền kinh tế”.

Trợ lực thuế

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp nội dung đề xuất trình Quốc hội; và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội, nếu tình hình kinh tế và DN vẫn còn khó khăn.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, việc giảm thuế VAT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024, và được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Việc giảm thuế sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng...

Ước tính việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm thuế VAT, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này không phân biệt đối tượng áp dụng, để hỗ trợ nền kinh tế, người dân và DN.

Chia sẻ với ĐTTC về những đề xuất trên của Bộ Tài chính, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNVVN (Hiệp hội DN TPHCM) bày tỏ sự đồng tình cao, bởi trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn khi tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định, đơn hàng xuất khẩu năm sau chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, sản xuất trong nước còn nhiều thách thức do người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, nên các chính sách giảm thuế đều được DN mong chờ.

Trong đó, việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết. Bởi khi giảm 2% thuế VAT thì đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp là người tiêu dùng. Vì thuế VAT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền.

Đối tượng thứ 2 hưởng lợi đó chính là DN. Khi người dân tăng tiêu dùng sẽ kích thích DN sản xuất. Chưa hết, do thuế VAT là loại thuế gián thu, được thu thông qua người bán (DN), nên khi giảm thuế từ 10% xuống 8% thì DN sẽ được giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế VAT ở các khâu đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là DN sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) tổng doanh số mua vào của mình.

Cần chính sách dài và mạnh hơn

Giảm thuế VAT là tin vui, nhưng Luật sư Nghĩa cho rằng nếu chỉ giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 thì hơi ngắn và nhiều DN mong chính sách sẽ kéo dài đến hết năm 2024. “Theo nhiều dự báo, triển vọng phục hồi kinh tế còn chưa rõ nét, nên nếu có thể cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024, như vậy DN có thể xây dựng các phương án kinh doanh ổn định đồng thời dần phục hồi sức khỏe”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thực tế không chỉ mong kéo dài thời gian giảm thuế, mà một số DN còn mong mở rộng danh mục hàng hóa được hưởng chính sách này. Bởi có một số mặt hàng như dây cáp điện cũng khiến DN gặp khó trong việc xác định có nằm trong danh mục giảm 2% thuế VAT hay không. Hay một số ngành rất khó khăn như bất động sản lại không được hưởng chính sách này.

Chưa hết, có ý kiến còn cho rằng mức giảm 2% chưa tác động nhiều đến người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và chưa có dấu hiệu nới lỏng ngay cả khi mùa mua sắm lớn nhất trong năm đang đến gần.

Bàn thêm về việc có nên kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT và nâng mức giảm sâu hơn hay không, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lại có một góc nhìn khác. Theo ông Thịnh việc giảm thuế là cả một vấn đề quan trọng với nguồn thu và cân đối thu chi của ngân sách nhà nước, nên nếu giảm nhiều hơn mức 2% thuế VAT e là khó.

Cùng với đó, trước khi đưa ra các chính sách hỗ trợ thì Chính phủ, Quốc hội cũng đã cân nhắc kỹ để vừa hỗ trợ DN, người dân vừa đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế. Vì vậy thời gian 6 tháng đầu năm 2024 chắc hẳn cũng đã được cân nhắc kỹ. Tất nhiên nếu qua năm tình hình còn nhiều khó khăn, có thể việc giảm thuế sẽ được xem xét gia hạn.

Đồng tình với chính sách giảm thuế VAT đang được Bộ Tài chính chuẩn bị trình Quốc hội, nhưng ông Thịnh lại nhấn mạnh đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bởi hiện nay chính sách về thuế TNCN đã không còn phù hợp nếu không muốn nói là lạc hậu so với tình hình kinh tế xã hội.

Khi chính sách thuế TNCN thay đổi phù hợp sẽ tác động ngay tới người lao động, đối tượng chi dùng lớn trong xã hội. Nhiều ý kiến đều đồng tình cần nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình hiện nay. Các chính sách cộng hưởng sẽ tạo động lực lớn để nền kinh tế phục hồi.

Giảm thuế VAT là tin vui, nhưng Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nếu chỉ giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 thì hơi ngắn, nhiều DN mong chính sách sẽ kéo dài đến hết năm 2024. Trong khi đó PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, lại có một góc nhìn khác, việc giảm thuế là cả một vấn đề quan trọng với nguồn thu và cân đối thu chi của ngân sách nhà nước, nên nếu giảm nhiều hơn mức 2% thuế VAT e là khó.

Các tin khác