Cửa hẹp đầu tư vốn

Trong lộ trình tăng vốn năm nay, các NHTM đều nhắm đến kế hoạch góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty con, công ty liên kết, cũng như mở rộng danh mục đầu tư.

Trong lộ trình tăng vốn năm nay, các NHTM đều nhắm đến kế hoạch góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty con, công ty liên kết, cũng như mở rộng danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, có thể tới đây tham vọng của các NHTM sẽ khó thực hiện khi NHNN hạn chế tỷ lệ đầu tư vốn ở lĩnh vực này.

“Room” chung nhỏ lại

Trước đây, NHNN đã có thông tư hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty kiều hối trực thuộc NHTM. Tuy nhiên, mới đây NHNN đã đưa ra dự thảo về thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó quy định chung mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD tại một công ty con, công ty liên kết không được vượt quá 15% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD.

Theo NHNN, điều kiện về ngưỡng vốn góp, mua cổ phần của TCTD nhằm đảm bảo số vốn góp tại một công ty con, công ty liên kết chiếm tỷ trọng không quá lớn so với vốn điều lệ và các quỹ của TCTD.

NHNN hạn chế thành lập công ty con, công ty liên kết nhằm tránh tình trạng lách luật cho vay lẫn nhau trong nội bộ NHTM. (Ảnh minh họa: LÃ ANH).

NHNN hạn chế thành lập công ty con, công ty liên kết
nhằm tránh tình trạng lách luật cho vay lẫn nhau trong nội bộ NHTM.
(Ảnh minh họa: LÃ ANH).

Nếu đầu tư vào doanh nghiệp khác theo hình thức danh mục vốn, tổng các khoản đầu tư theo danh mục vốn của TCTD cũng không được vượt quá 15% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD. Tỷ lệ nợ xấu của TCTD muốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết phải dưới 3% so với tổng dư nợ trong vòng 1 năm trước thời điểm đăng ký.

Như vậy, trước đây các NHTM chỉ bị giới hạn tỷ lệ góp vốn cổ phần vào một công ty không quá 11% vốn điều lệ của công ty đó, nay mức vốn góp được tính trên vốn điều lệ của NHTM.

NHNN cũng quy định TCTD phải đảm bảo duy trì mức vốn pháp định. Tức tổng tài sản của các công ty con, công ty liên kết không được vượt quá 45% tổng tài sản (trên cơ sở hạch toán hợp nhất) của TCTD. Theo một lãnh đạo NHNN quy định này nhằm hạn chế việc TCTD hoạt động cầm chừng, chủ yếu thông qua việc phân tán vốn ra các công ty con trong khi thực chất TCTD chỉ là vỏ bọc.

Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu TCTD phải chứng minh được khả năng nâng cao sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau khi góp vốn, mua cổ phần; tác động và hiệu quả dự kiến của việc góp vốn, mua cổ phần đối với TCTD…

Chỉ hạn chế NH nhỏ

Năm 2011, khi tín dụng bị khống chế hạn mức tăng không quá 20%, các NHTM đều kỳ vọng thông qua việc thành lập công ty con, công ty liên kết để có thể ủy thác vốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mà không bị NHNN “bắt giò”. Nhưng theo một lãnh đạo HDBank, nếu thông tư trên của NHNN áp dụng chắc chắn các NHTM sẽ khó góp vốn trong việc thành lập công ty con, công ty liên kết do bị giới hạn về vốn điều lệ. Thực tế, thời điểm này, việc tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm của các NHTM không dễ, nhất là việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn.

Đến nay, chỉ mới có vài NH được NHNN chấp thuận tăng vốn, như Sacombank từ 9.179 tỷ lên 10.740 tỷ đồng, LienVietBank từ 5.650 tỷ lên 6.460 tỷ đồng. Trong khi một số NHTM nhỏ cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các NH lớn. Đơn cử GiaDinh Bank, kế hoạch tăng vốn đã được xây dựng và theo lộ trình đã hoàn tất vào cuối năm trước, nhưng do TTCK ảm đạm, NH đã không thực hiện được và được NHNN gia hạn đến hết năm nay. Tuy nhiên, đến nay, GiaDinhBank vẫn chưa có động tĩnh gì về việc sẽ phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc kiểm soát và hạn chế các NHTM thành lập công ty con, công ty liên kết là cần thiết để tránh tình trạng “lách luật” cho vay lẫn nhau trong nội bộ NHTM. Điều này cũng giúp cho hệ thống NHTM tránh được rủi ro khi đẩy mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác.

Tuy nhiên, để hạn chế được tình trạng này không dễ, bởi các NHTM có thể thông qua mối quan hệ với cổ đông lớn và các nhóm đầu tư để thành lập công ty liên kết. Vì thế việc hạn chế tổng tài sản của các công ty con, công ty liên kết sẽ giúp NHNN kiểm soát được các NHTM thông qua các công ty này đẩy vốn cho vay làm méo mó thị trường tín dụng.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NH cổ phần, quy định mới về mức góp vốn nếu áp dụng chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư tài chính các NHTM nhỏ. Còn các NHTM có vốn điều lệ lớn, việc góp vốn, mua cổ phần để thành lập một công ty con, công ty liên kết 100-300 tỷ đồng không khó. Thực tế hiện nay nhiều NHTM lớn đã góp vốn, mua cổ phần thành lập ít nhất 2-3 công ty con, công ty liên kết.

Các tin khác