Cửa ngõ phía Đông kẹt cứng

(ĐTTCO) - Hàng loạt tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông như xa lộ Hà Nội, cầu vượt Cát Lái, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh... đang báo động “đỏ” về kẹt xe.

(ĐTTCO) - Hàng loạt tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông như xa lộ Hà Nội, cầu vượt Cát Lái, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh... đang báo động “đỏ” về kẹt xe.

Giờ nào cũng kẹt

Tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực quận 2 đang báo động “đỏ” ở hầu hết thời gian trong ngày. Nghiêm trọng nhất là các trục đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh, Lương Định Của… Nạn kẹt xe ở đây xảy ra như “cơm bữa” bởi các trục đường này - và đặc biệt đường Mai Chí Thọ - là trục đường mà xe tải, xe container được lưu thông 24/24 giờ để ra vào khu cảng biển Cát Lái.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, lượng container ra vào khu cảng này chiếm tới gần 50% lượng hàng hóa ra vào hệ thống cảng biển trong cả nước. Nút giao thông An Phú là điểm đầu của hàng ngàn phương tiện giao thông từ trung tâm thành phố vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nên không chỉ kẹt xe, dòng xe tải, xe container, xe khách… qua lại tấp nập suốt ngày đêm cũng là hiểm họa giao thông kinh sợ với xe gắn máy 2 bánh mỗi khi lưu thông qua đây, nhất là ở hướng từ đường cao tốc ra đường Mai Chí Thọ quẹo trái về đường hầm sông Sài Gòn và hướng đi thẳng qua đường Lương Định Của.

 Kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra ở hướng từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Anh Trần Trí Quang, lái xe container thường xuyên chở hàng ở cảng Cát Lái, cho biết 2 năm trước đây còn đỡ, giờ thì kẹt xe kinh khủng! Từ cầu Rạch Chiếc đến đoạn quay đầu dài khoảng 1,5km nhưng nhiều hôm phải đi mất hơn 2 giờ. Sợ nhất là đến nút giao An Phú, mặc dù có đèn tín hiệu giao thông nhưng do lượng xe quá đông nên dòng xe luôn trong tình trạng chặn ngang đường, nhiều người điều khiển xe gắn máy 2 bánh phải cố lách qua các khe hở giữa các xe đầu kéo, tìm hướng thoát. Đường Đồng Văn Cống, hướng từ cảng Cát Lái ra Mai Chí Thọ và hướng ngược lại cũng ùn tắc nghiêm trọng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết cho biết, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tăng đột biến trong tháng 5-2016, với thời gian ùn tắc kéo dài từ 1 - 2 giờ. Tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn biến hết sức phức tạp và chủ yếu xảy ra ở các tuyến đường như: Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái); đường Vành đai phía Đông (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy), đường Đồng Văn Cống và đường Mai Chí Thọ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do mặt đường nhỏ, hẹp trong khi lượng xe container, xe hàng tập trung về cảng Cát Lái ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục trong cảng chậm, dẫn đến tình trạng hàng trăm phương tiện xếp hàng dài trên đường để chờ tới lượt. Nút giao An Phú là nút giao đồng mức (giao thông trên mặt bằng đường, không có cầu vượt, hầm chui) nên không đáp ứng được lượng xe qua lại. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nút giao thông An Phú phải được xây dựng khác mức (có cầu vượt hoặc hầm chui). Tuy nhiên, do chưa thu xếp được kinh phí, quy hoạch này chưa được triển khai thực hiện.

Đau đầu chuyện kinh phí

Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở khu vực phía Đông, gần đây nhất, ngày 3-6, TPHCM đã khởi công xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy. Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 - chủ đầu tư công trình, tổng chi phí xây dựng nút Mỹ Thủy là 2.000 tỷ đồng. Riêng tại nút giao thông An Phú, đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (đơn vị quản lý đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt), cho biết đã điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp hơn, đồng thời lắp đặt camera quan sát giao thông tại đây. Các thiết bị này được gắn với Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông để ngành chức năng có thể xử lý ngay khi có sự việc đột xuất xảy ra.Trung tâm cũng đã đưa ra 8 “kịch bản” điều khiển tín hiệu giao thông nhằm ứng phó hiệu quả với vấn nạn kẹt xe.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở đây, từng đó công trình giao thông… chưa đủ. Ngay cả Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho rằng cần khẩn trương xây dựng nút giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui) cho nút giao thông An Phú, khép kín đường Vành đai 2…

Thế nhưng, vốn cho đầu tư là bài toán khó giải nhất. Hầu hết các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông mà TPHCM áp dụng từ nhiều năm nay đã không còn phù hợp. Đầu tư theo hình thức BOT đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cho chủ đầu tư mở trạm thu phí hoàn vốn. Hiện đang có quá nhiều tuyến đường thu phí giao thông hoàn vốn, mà ngay cả Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ ngành liên quan đã phải để xuất giảm bớt phí giao thông cho doanh nghiệp vận tải để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt.

Đầu tư theo hình thức BT, doanh nghiệp ứng vốn xây dựng trước, ngân sách vẫn phải trả, chỉ là phải trả sau. “Đổi đất lấy hạ tầng” - một trong những hình thức mà TPHCM thường áp dụng nhất - hiện cũng gặp khó khăn do quỹ đất (có thể hấp dẫn nhà đầu tư) không còn nhiều… Trong khi đó, ngân sách của TPHCM dành cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.

Phương tiện giao thông di chuyển trên xa lộ Hà Nội vào trung tâm thành phố.
Phương tiện giao thông di chuyển trên xa lộ Hà Nội vào trung tâm thành phố. 

UBND TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo các sở ngành liên quan quy hoạch bố trí địa điểm xây dựng hệ thống bến bãi vận tải ở khu vực phía Đông với mục tiêu sắp xếp, không để tình trạng các bãi xe container mọc tràn lan dọc bên ngoài tuyến đường vành đai, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông.

Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện vì liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. UBND TPHCM cũng đã có chủ trương di dời cảng cạn - chuyên tập kết container ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) - nằm ngay xa lộ Hà Nội về quận 9, để giảm tải cho xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, giải pháp này cũng gặp khó khăn vì công tác giải phóng mặt bằng.

Theo số liệu của UBND quận 2, trong 6 tháng đầu năm 2016, có trên 5 triệu lượt phương tiện ra vào cảng Cát Lái; riêng xe container, xe tải chở hàng chiếm gần 3,2 triệu lượt. Như vậy, trung bình mỗi ngày trên 17.000 lượt; những ngày cuối tuần trên 19.000 lượt và ngày cao điểm có trên 21.000 lượt, vượt quá khả năng thông hành của các tuyến đường và nút giao thông dẫn vào cảng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn quận diễn biến hết sức phức tạp, tăng cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương và tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra triền miên.

Các tin khác