Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở

(ĐTTCO) - Được xem là một trong “2 mũi giáp công” đặc biệt trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thế nhưng y tế cơ sở lại đang tồn tại những bất cập dai dẳng khi nhân lực vừa thiếu lại yếu. 

Thông tin nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở của TPHCM xin nghỉ việc hàng loạt làm dấy lên những lo ngại về việc để lại lỗ hổng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở ảnh 1Nhân viên y tế phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TPHCM) đến nhà cấp cứu cho bệnh nhân khó thở tại phường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nghịch lý áp lực cao - thu nhập thấp

Đầu tháng 12-2021, phường 22 (quận Bình Thạnh) ghi nhận 500 ca F0 tại nhà. Như vậy, phường phải có khoảng 4-5 trạm y tế lưu động để theo dõi việc điều trị các F0. Thế nhưng, theo bà Ngô Thị Minh Thu, Trạm trưởng Trạm y tế phường 22, do không có chi viện nhân sự từ tuyến trên nên đơn vị này phải “chia sẻ” nhân sự để lập thêm 1 trạm y tế lưu động. “Chúng tôi lấy nhân sự của mình cùng với 2 tình nguyện viên để lập trạm y tế lưu động. F0 nhiều, công việc nhiều nhưng nhân sự vẫn thế khiến chúng tôi quá tải”, bà Ngô Thị Minh Thu cho biết. Trong cao điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, phường 22 có 5 trạm y tế lưu động phân chia phụ trách theo khu phố, F0 cách ly tại nhà được điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, thăm khám trực tiếp. Hiện nay, nhân viên y tế của trạm phải đảm trách nhiều việc cùng lúc, như: test nhanh triệu chứng, test F0 hoàn thành cách ly, điều tra truy vết… Ngoài ra, trạm còn gánh thêm việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 cho người dân.

Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), tình hình căng thẳng không kém. Bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, thống kê, trung bình mỗi nhân viên y tế trạm phải “gồng gánh” trên 17.000 dân. Nay, nhân viên y tế tại đây phải làm việc công suất lên đến 300%; trong khi lương nhân viên y tế tại trạm y tế chỉ khoảng 4,5-6 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Phan Thanh Tùng cho biết thêm, ông có thâm niên công tác gần 20 năm nhưng hiện lương của ông chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Lương thấp, công việc nhiều, áp lực cao khiến nhiều người từ bỏ. Những người còn bám trụ với nghề, với trạm y tế đều vì đam mê, vì trách nhiệm với người dân”, bác sĩ Phan Thanh Tùng chia sẻ.

Cùng chung ý kiến, bác sĩ Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3, cho biết, đã có tình trạng nhiều nhân viên ở các trạm y tế phường trên địa bàn quận xin nghỉ việc. Tại Trạm y tế phường 5, trước đây có 7 người nhưng hiện tại chỉ còn 5. “5 người này phải đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia như sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế… Trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát, công việc tăng lên gấp ba, từ lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi và điều trị ca mắc Covid-19 trên địa bàn, nhập dữ liệu ca bệnh… Công việc nhiều, nhưng lương quá thấp”, bác sĩ Thái chạnh lòng.

Cần chính sách tiếp sức thiết thực

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/10.000 dân tại TPHCM chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Đợt dịch vừa qua, y tế cơ sở đã bộc lộ những điểm yếu khi chưa thể giám sát, chăm sóc F0 trong cộng đồng. Hiện TPHCM có 310 trạm y tế xã, phường nhưng có một nửa trạm y tế không có trạm trưởng. Số lượng nhân sự tại mỗi trạm chỉ khoảng 4-5 nhân viên.

Điều đáng nói, công việc của họ chồng chất, thu nhập thấp và đặc biệt nặng nề trong đợt dịch. Nguy cơ của họ không kém bất kỳ bác sĩ nào ở các cơ sở điều trị Covid-19. “Trong 10 tháng đầu năm 2021, đã có 968 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó chủ yếu là nhóm điều dưỡng và bác sĩ của trạm y tế. Mặc dù Sở Y tế kiến nghị tăng mức trần biên chế tại trạm y tế lên gấp đôi hiện tại, tức khoảng 20 người/trạm, để đảm bảo nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch; thế nhưng, với cơ chế đãi ngộ như hiện nay thì không ai chịu về trạm y tế”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thừa nhận.

Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở ảnh 2

Nhìn nhận về hệ thống y tế cơ sở, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, đại biểu Quốc hội, cho rằng, hệ thống y tế cơ sở của TPHCM trong nhiều năm qua rất thiếu và yếu về chỉ tiêu phân bổ ngân sách, nhân lực. Chỉ tiêu 30% ngân sách chi cho y tế dự phòng chưa đáng kể so với nhu cầu thực sự của người dân. Trong khi đó, cơ chế phân bổ lại không hợp lý khi dựa trên sự phân chia địa lý chứ không theo quy mô dân cư. “Ngân sách cho y tế, đặc biệt y tế dự phòng, đầu tư chưa thỏa đáng nên khi xảy ra dịch, hệ thống dự phòng “thủng” dẫn đến khối điều trị cũng dễ vỡ trận”, bà Phạm Khánh Phong Lan phân tích và khẳng định rằng, y tế dự phòng là 1 trong 3 nhánh của y tế (gồm điều trị, cung ứng và dự phòng); trong đó y tế dự phòng đóng vai trò nền móng. Tuy nhiên, lâu nay, TPHCM chỉ chú tâm đầu tư điều trị, cung ứng mà chưa đầu tư thỏa đáng cho dự phòng, trong khi việc chăm sóc sức khỏe toàn dân phải nhìn vào dự phòng.

Kiến nghị giải pháp giữ chân nhân viên y tế tại cơ sở, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, cần tăng thu nhập, cam kết cho những người ở tuyến y tế cơ sở phải được cấp chứng chỉ hành nghề… Cần ban hành các chế độ hỗ trợ thu nhập nhằm cải thiện đời sống. Từ đó mới mong thu hút và duy trì nhân viên y tế đang công tác tại tuyến y tế cơ sở.

Nhiều y, bác sĩ ở Đắk Lắk nghỉ việc vì lương thấp


Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ năm 2019 đến nay, đã có 70 viên chức xin nghỉ việc; trong đó 48 viên chức có trình độ bác sĩ y khoa (32/48 bác sĩ có trình độ đào tạo sau đại học). Chia sẻ về nguyên nhân nghỉ việc, hầu hết y, bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đều cho rằng, do áp lực công việc quá lớn, thu nhập lại quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của các y, bác sĩ.

Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cũng cho biết, hiện nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh được thành lập đã thu hút lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện. Những nơi này đưa ra các mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt nên thu hút nhiều bác sĩ của bệnh viện.

ĐÔNG NGUYÊN

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THANH LONG: Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo hướng đa chức năng


Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này bằng nhiều hình thức. Thứ nhất, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Thứ hai, tiếp tục tăng cường chế độ thu hút những người làm việc trong lĩnh vực y tế công lập. Thứ ba, tiếp tục đào tạo và đào tạo lại, tức là đào tạo với trình độ cao hơn đối với toàn bộ lực lượng y tế, chứ không riêng y tế công lập hay y tế tư nhân. Thứ tư, cải cách chế độ tiền lương cũng như chế độ phụ cấp để đảm bảo những cán bộ y tế yên tâm làm việc ở các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế sẽ rà soát hệ thống văn bản về hệ thống y tế cơ sở để sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo sự thống nhất, ổn định về tổ chức bộ máy và hoạt động của y tế cơ sở. Hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn diện và điều phối nguồn lực cho y tế trên địa bàn huyện. Nghiên cứu đề xuất thành lập trạm y tế theo cụm dân cư và quy mô dân số; thí điểm trung tâm y tế huyện thuộc UBND huyện quản lý.


Ông NGUYỄN TUẤN HƯNG - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế): Bộc lộ nhiều bất cập


Dù y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, việc thành lập các đơn vị y tế sự nghiệp công lập (trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã) theo đơn vị hành chính chưa thật phù hợp với nhu cầu thực hiện tại một số đơn vị địa phương, nhất là thành phố đông dân và các khu công nghiệp.

Cùng với đó, nhân lực y tế cơ sở còn rất thiếu về số lượng, nhất là thiếu bác sĩ, cơ cấu chưa phù hợp: số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy còn thấp. Đặc biệt, việc xếp thang bảng lương, mức lương khởi điểm đối với cán bộ, viên chức y tế áp dụng giống như các ngành khác là chưa thỏa đáng, vì thời gian đào tạo bác sĩ dài hơn các ngành khác.

NGUYỄN QUỐC ghi

Các tin khác