Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần cho một năm còn nhiều yếu tố bất định - đó là nhận định chung được nhiều nhà quan sát kinh tế nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, một mặt ghi nhận việc đã được Chính phủ tháo gỡ bằng các chính sách giảm thuế, phí, khơi thông tín dụng... mặt khác, doanh nghiệp vẫn than phiền vì tình trạng phát sinh một số quy định bất hợp lý.
Gửi đến Bộ TN-MT góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu kiến nghị hàng đầu là “không bổ sung, sửa đổi các quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp”.
Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, trong khi Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp đã xác định rõ nguyên tắc “chỉ ban hành và duy trì những thủ tục hành chính, quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất” thì bản dự thảo quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn) có không ít nội dung chưa phù hợp có thể tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Đơn cử, dự thảo nghị định mà Bộ TN-MT xây dựng quy định, doanh nghiệp không được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa tái chế kể từ ngày 31-12-2024. Đây là nội dung không có trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu hay điều kiện về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp).
Dự thảo nêu trên cũng quy định các cơ sở sử dụng nhập khẩu phế liệu chỉ được nhập tối đa 80% nhu cầu sử dụng, còn lại phải sử dụng phế liệu thu gom trong nước từ ngày 1-1-2025.
Phải thừa nhận rằng mục tiêu của chính sách này là rõ ràng và đúng đắn, đó là hạn chế nhập khẩu “rác thải”, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tái chế phế liệu trong nước, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn…
Song để đảm bảo tính khả thi cần cân nhắc đến lộ trình chuyển đổi dài hạn phù hợp với năng lực doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp trong ngành nhựa mà cả hoạt động của hệ thống thu gom, tái chế phế liệu trong nước. Và đây là vấn đề không dễ dàng gì, cứ nhìn vào mục tiêu phân loại rác thải đã đặt ra từ hàng chục năm nay thì biết.
Nhìn rộng hơn, báo cáo gửi Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ KH-ĐT nhìn nhận, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm; nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn, nói cách khác là vẫn còn rất nhiều điều kiện “ẩn”, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và làm tăng chi phí tuân thủ. Không khó để kể thêm nhiều ví dụ trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm...
Hơn bao giờ hết, niềm tin kinh doanh đang rất cần được xây dựng, củng cố. Những quy định bất hợp lý, những chính sách theo kiểu “cua gấp” chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp chần chừ, thậm chí nản lòng.