Những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước luôn hướng tới người lao động, nhất là công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), qua đó từng bước cải thiện tiền lương, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, dù vào đầu năm 2020 tăng 5,5% (dao động 150.000 - 240.000 đồng, tùy từng vùng), nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết được bài toán lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân, nhất là trong tình hình khó khăn vì dịch Covid-19.
Chi tiêu tằn tiện
Tại hội thảo “Thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp (DN) - Vai trò và sự tham gia của người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế vừa tổ chức, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết khảo sát gần đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam về người lao động hàng năm cho thấy tiền lương, thu nhập của người lao động vẫn còn ở mức thấp.
Hầu hết tiền lương, thu nhập chỉ vừa đủ để công nhân, người lao động trang trải cuộc sống, không có dư để tích lũy. Thậm chí trên 30% công nhân lao động phải chi tiêu tằn tiện, làm tăng ca mới đủ trang trải chi phí cho bản thân và gia đình.
Thực tế, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Oxfam tại Việt Nam về các DN dệt may cho thấy, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và có tới 53% không đủ tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Bữa ăn của công nhân Công ty cổ phần Sài Gòn được bổ sung thêm nước chanh sả để tăng sức đề kháng
Chị Phan Thị Minh Thu, công nhân Công ty TNHH Nikkiso (KCX Tân Thuận), chia sẻ thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 12 triệu đồng/tháng, gồm cả chi phí tăng ca. Hàng tháng, tiền thuê nhà, gửi 2 con nhỏ, tiền sữa, tã lót cho con đã chiếm hết gần 8 triệu đồng, chưa kể đến chi phí phát sinh đột xuất khi con bị bệnh.
Chị Thu cho rằng dù lương tối thiểu có tăng, nhưng vật giá ngoài thị trường tăng cao hơn nên công nhân vẫn phải rơi vào vòng quay cũ: đi làm và tăng ca để kiếm thêm thu nhập. “Những ngày qua, lo lắng về dịch Covid-19, tôi phải tăng cường đề kháng, dinh dưỡng cho các con nên chi tiêu của cả nhà càng thêm eo hẹp”, chị Thu tâm sự.
Do thu nhập thấp, nhiều công nhân phải chấp nhận tăng ca để có đủ chi phí trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, phần thu nhập tăng thêm từ việc tăng ca của công nhân lao động cũng đang bị ảnh hưởng.
Điều chỉnh tăng phúc lợi
Mong mỏi của công nhân lao động chính là lương tối thiểu có thể đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, với nhiều DN, để điều chỉnh tăng lương cho một số lượng lớn người lao động là cả một bài toán khó.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, cho rằng nếu không thể tăng lương cơ bản cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thì công đoàn đề xuất công ty có các chính sách khác để cải thiện thu nhập cho người lao động, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Tại Công ty Đại Dũng, để cải thiện đời sống công nhân, ngoài khu nhà ở miễn phí cho công nhân độc thân, công ty còn hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ cho công nhân đã có gia đình, giúp kinh phí để công nhân sửa chữa nhà ở. Với nữ công nhân, phía công ty có thêm các chính sách hỗ trợ chi phí giữ con. Ngoài ra, Quỹ Tấm lòng vàng với sự đóng góp của cán bộ chủ chốt công ty còn giúp đỡ rất nhiều công nhân trong những lúc khó khăn, bệnh tật.
Trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, để giúp gia đình công nhân không bị xáo trộn, Ban giám đốc Công ty cổ phần In số 7 (KCN Tân Tạo) đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ.
Theo ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn công ty, những công nhân có con nhỏ đều được ưu tiên giải quyết đi trễ về sớm một giờ để tiện việc chăm sóc con cái.
Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho người lao động, công ty đã nâng tiền suất ăn giữa ca lên 34.000 đồng/ngày. Phía công ty còn ký hợp đồng với Phòng khám Đa khoa Tân Tạo tổ chức tư vấn phòng chống dịch bệnh và khám sức khỏe cho người lao động.
Tại Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (quận 3), ngoài bố trí cho người lao động nghỉ phép luân phiên để tiện chăm con, công ty còn hỗ trợ lao động nữ khối gián tiếp có con nhỏ dưới bậc tiểu học mỗi người một triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Hay Công ty cổ phần Dệt may Phú Hòa An (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), bên cạnh phát khẩu trang kháng khuẩn cho người lao động và người thân công nhân, công ty còn hỗ trợ tiền giữ trẻ cho con công nhân 50.000 đồng/ngày/trẻ. Ngoài ra, tổ chức công đoàn và ban giám đốc đã chủ động phối hợp để triển khai nhiều giải pháp phòng chống nhằm bảo vệ người lao động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Xem người lao động là vốn quý của mình, nhiều DN trên địa bàn TPHCM đã xây dựng chính sách đãi ngộ, chăm chút bữa ăn, hỗ trợ chi phí xăng xe, học hành cho con cái, đóng bảo hiểm cho gia đình người lao động. Đây là cách DN giúp người lao động giải bài toán phải chi tiêu tằn tiện và an tâm làm việc, cống hiến sức mình, cùng DN vượt qua khó khăn trong mùa Covid-19.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến đời sống người lao động cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Thế nhưng, thời gian qua, các chủ DN cùng công đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động để giúp người lao động vượt qua khó khăn. Bên cạnh linh động giải quyết phép năm, cho nữ công nhân nghỉ ở nhà trông con không bị cắt các khoản thưởng, phụ cấp, DN còn tăng chi phí bữa ăn giữa ca, trao tặng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn, khử khuẩn môi trường làm việc… để giúp người lao động tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật và an tâm sản xuất. |