Sự dịch chuyển trong lòng châu Âu
Trong khi mỗi quốc gia châu Âu đều cảm nhận được tác động của cuộc chiến ở Ukraine thì còn có những xu hướng quan trọng mang tính khu vực. Lấy khu vực Bắc Âu làm ví dụ, nơi mà nhu cầu tăng cường an ninh cũng như quốc phòng hiện đang được cảm nhận đặc biệt mạnh mẽ.
Ảnh minh họa: Reuters
Tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ tổ chức hội đàm với Thụy Điển và Phần Lan - cả hai quốc gia đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO trong khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của liên minh đã phản đối việc kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này. Mục tiêu của ông Jens Stoltenberg là đưa Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh sớm nhất có thể.
Thứ Tư tuần trước (1/6), Đan Mạch đã tiến hành trưng cầu dân ý về việc có tham gia Chính sách an ninh và phòng thủ chung Châu Âu hay không. Đan Mạch hiện là nước duy nhất trong 27 nước EU chọn không tham gia chính sách này, bất chấp việc là một thành viên trong NATO. Kết quả bỏ phiếu đã cho thấy đa số cử tri Đan Mạch quyết định tham gia chính sách phòng thủ chung của EU.
Động lực cho việc tăng cường quốc phòng ở Bắc Âu là một thực tế đáng chú ý nhưng diễn biến quan trọng nhất nằm ở phía Đông - nơi mà tầm quan trọng của khu vực này ở châu lục ngày càng tăng lên. Đây không chỉ là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, trong đó có làn sóng người tị nạn chạy từ Ukraine sang mà rộng hơn, cuộc xung đột này đang thúc đẩy một quá trình đang diễn ra, đó là ảnh hưởng chính trị ở châu Âu đang dịch chuyển mạnh mẽ về phía Đông.
Rõ ràng, Pháp và Đức vẫn là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất EU. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi vì một số lý do, trong đó có việc ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng ở Trung và Đông Âu. 2 thập kỷ kể từ khi 8 nước Trung và Đông Âu đầu tiên gia nhập EU, sự hội nhập kinh tế của Đông Âu đã ngày càng tăng lên với Tây Âu.
Về mặt chính trị cũng vậy, tầm quan trọng chiến lược của những nước Trung và Đông Âu quan trọng đang ngày càng gia tăng, trong đó có những khối như Bucharest Nine (gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia), dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần này. Dù vậy, một số nhà lãnh đạo của những quốc gia này, trong đó có Thủ tướng Hungary Viktor Orban, đối mặt với nhiều tranh cãi bởi lập trường nghiêng về chủ nghĩa dân túy.
Hiện nay, những vị trí quan trọng ở Brussels ngày càng được nhiều lãnh đạo các nước Đông Âu nắm giữ, trong đó có ông Valdis Dombrovskis từ Latvia giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu về thương mại.
Nhà quan sát Andrew Hammond, học giả tại Trường kinh tế London nhận định: "Brussels đang cố gắng đảm bảo có một tầm nhìn mạnh mẽ nhằm đối phó với những thách thức của châu lục".
Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các nước Trung và Đông Âu không chỉ được chú ý ở châu Âu. Nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến khu vực này. Hiện Trung Quốc đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khu vực với sự tham gia của nhiều nước Trung và Đông Âu như Croatia, Cộng hòa Séc và Hungary.
Đây chắc chắn không phải diễn biến duy nhất cho thấy chiến lược ngoại giao ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Một minh chứng nữa là nhóm 16+1, được thành lập nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Trung Quốc và 11 nước EU, cùng với 5 nước vùng Balkan (Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Montenegro, Bắc Macedonia, Ba Lan, Romania, Serbia, Slovakia và Slovenia) trong các lĩnh vực như đầu tư, vận tải, tài chính, khoa học, giáo dục và văn hóa.
Liên minh chặt chẽ chưa từng thấy
Brussels hiểu rõ những diễn biến này và quan tâm đến nguy cơ các nước bên ngoài "chia rẽ và chi phối" nhằm làm suy yếu các lợi ích tập thể của châu lục như thế nào. Đó là lý do tại sao Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy chương trình hội nhập đầy tham vọng sau cuộc chiến ở Ukraine, mở ra cánh cửa cơ hội lịch sử để hướng tới dự án về một "liên minh chặt chẽ chưa từng thấy".
Khói bốc lên ở Kiev, Ukraine ngày 5/6. Ảnh: AP
Chẳng hạn, về mặt quốc phòng, châu Âu đang thúc đẩy một chương trình liên châu lục mạnh mẽ. Mục tiêu này càng được củng cố bởi những quyết định gần đây từ Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch về an ninh. Chương trình quân sự cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những nhà lãnh đạo khu vực và những quốc gia quan trọng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Trong một bài đăng tải trước đó khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen ủng hộ kế hoạch thành lập quân đội châu Âu để châu lục này có thể phản ứng hiệu quả hơn trước những mối đe dọa hòa bình. Về phần mình, Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh đến sự tự trị chiến lược lớn hơn của EU về mặt quốc phòng. Ngoài ra, ông cũng khẳng định, thỏa thuận an ninh gần đây giữa Australia, Anh và Mỹ, dẫn đến căng thẳng ngoại giao với Pháp sau khi thỏa thuận tàu ngầm trước đó giữa Pháp và Australia bị hủy bỏ, đã nhấn mạnh tại sao châu Âu phải hợp tác với nhau nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang làm thay đổi mạnh mẽ tình hình khu vực. Bằng cách triển khai những động thái khác nhau, Brussels đang thúc đẩy các kế hoạch để đảm bảo rằng sẽ có một tầm nhìn cho toàn khối nhằm đối phó với thách thức và nắm bắt cơ hội, cả trong khối lẫn với các nước bên ngoài./.