Hủy thị thực những người có “nguy cơ an ninh cao”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, động thái này được thực hiện theo tuyên bố của Tổng thống Trump hôm 29-5, như một phần trong phản ứng đối với các hành động của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao xác nhận: “Tính đến ngày 8-9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi hơn 1.000 thị thực của công dân mang quốc tịch Trung Quốc. Những người này được phát hiện có liên quan đến những đối tượng bị hạn chế theo chỉ đạo của tổng thống nên không đủ điều kiện để được cấp thị thực". Người phát ngôn cho biết thêm, các sinh viên và nghiên cứu sinh bị hủy thị thực đều là những người có “nguy cơ an ninh cao” không đủ điều kiện đến Mỹ để học tập. Trong khi đó, các nghiên cứu sinh, sinh viên và học giả hợp pháp sẽ vẫn được chào đón. Một số sinh viên Trung Quốc đăng ký vào các trường đại học Mỹ cho biết họ đã nhận được thông báo qua email vào ngày 9-9 của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh rằng thị thực của họ đã bị hủy. Danh sách các cá nhân bị tước thị thực không được công bố.
Trước đó, người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa Chad Wolf cho biết Washington đang chặn thị thực đối với một số sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc có quan hệ với quân đội Trung Quốc (PLA) để ngăn họ đánh cắp và chiếm đoạt các nghiên cứu nhạy cảm. Trong một tuyên bố, ông Wolf cũng cáo buộc Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động kinh doanh bất chính và hoạt động gián điệp, bao gồm việc cố gắng ăn cắp nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và cáo buộc nước này lạm dụng thị thực sinh viên để khai thác học viện của Mỹ.
Trả đũa truyền thông
Trong tuần qua, Mỹ- Trung cũng “ăn miếng trả miếng” nhau việc áp đặt thị thực mới đối với các nhà báo làm việc tại hai nước. Trong đợt trả đũa mới nhất, giới chức Trung Quốc áp đặt giới hạn thị thực mới đối với các nhà báo nước ngoài làm việc cho các tổ chức báo chí của Mỹ ở nước này.
Trong tuần qua, khi tiến hành quy trình gia hạn thẻ nhà báo để làm việc ở Trung Quốc, một số phóng viên chỉ nhận được bức thư thông báo đơn đăng ký của họ đang được xử lý, thay vì tấm thẻ mới. Họ được yêu cầu mang theo lá thư này cùng với thẻ nhà báo đã hết hạn trong khi tác nghiệp, nhằm chứng minh thân phận. Vì thị thực Trung Quốc gắn liền với thẻ nhà báo, những phóng viên trên giờ đây chỉ được thị thực lưu trú trong thời gian 2 tháng, trong khi trước đây là 1 năm. Không dừng lại ở đó, các nhà chức trách Trung Quốc còn nhấn mạnh, giấy tờ chứng minh tạm thời, cũng như thị thực, có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào, đẩy các nhà báo đến tình trạng hoang mang không rõ họ còn công tác tại Trung Quốc trong thời gian bao lâu.
Bắc Kinh cho hay, đây là “biện pháp trả đũa” cách hành xử của chính quyền Tổng thống Trump đối với các nhà báo Trung Quốc đang làm việc trên đất Mỹ. Hồi tháng 5, Washington rút ngắn thời gian làm việc tại Mỹ đối với hầu hết các phóng viên Trung Quốc xuống còn 90 ngày. Nếu không được gia hạn, số nhà báo Trung Quốc kể trên sẽ phải rời Mỹ vào đầu tháng 11 tới.
Sẽ còn leo thang?
Trong vòng vài tháng qua, quan hệ giữa Mỹ - Trung luôn trong trạng thái đặc biệt căng thẳng. Hai bên liên tục có những hành động được coi là đáp trả lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến các lĩnh vực khác như vấn đề Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), địa chính trị, quốc phòng, công nghệ, dịch Covid-19 và nay là vấn đề thị thực.
Giới chức Mỹ cho hay, số vụ gián điệp liên quan đến Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Họ cáo buộc Bắc Kinh cố đánh cắp nghiên cứu về đại dịch Covid-19 của đại học ở Mỹ. Đây cũng là lý do khiến Tổng thống Trump đưa ra quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston hồi tháng 7. Các quan chức Mỹ dự đoán, “cuộc chiến thị thực” Mỹ-Trung sẽ còn căng thăng hơn nữa bởi tuyên bố của Tổng thống Trump đưa ra hôm 29-5 có thể ảnh hưởng đến 3.000 - 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc. Khoảng 360.000 sinh viên từ Trung Quốc học tại các trường đại học ở Mỹ trong năm học 2018-2019, con số cao nhất trong số các nước có sinh viên du học ở Mỹ.
Hồi tháng 6, Bắc Kinh cho biết họ kiên quyết phản đối các động thái của Washington nhằm hạn chế sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ và thúc giục nước này tiếp tục đàm phán để tăng cường trao đổi và hiểu biết lẫn nhau.