Lý do EVN đưa ra, để đảm bảo có thể đáp ứng được yêu cầu phát điện cao trong tháng 12, các nhà máy nhiệt điện than của EVN cần tổng cộng 3,08 triệu tấn than, trong đó than antraxit sản xuất trong nước 2,55 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, tổng khối lượng than của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy của EVN trong tháng 12 chỉ 2,05 triệu tấn, thấp hơn so với nhu cầu hơn 600.000 tấn. EVN còn cảnh báo, "nếu TKV tiếp tục cung cấp than thấp hơn so với nhu cầu của các nhà máy, dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện”…
Trong khi đó, TKV khẳng định đã cấp đủ than, thậm chí vượt hợp đồng cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Đến thời điểm này, TKV đã cung cấp cho các nhà máy điện 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện 2017. Thậm chí TKV than phiền, nhiều nhà máy nhiệt điện mấy năm qua không lấy hết than theo đăng ký, trong khi năm nay lại lấy dư thêm nên rất khó khăn cho TKV cân đối, nhất là để tránh tồn kho.
TKV cũng cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than của EVN gặp khó khăn do đến nay mới có 9 hợp đồng mua bán than dài hạn được ký kết. Phản bác lại, EVN cho rằng một số đàm phán chưa đạt được thỏa thuận do EVN yêu cầu chất lượng than tốt, số lượng đủ nhưng TKV không đáp ứng được nên chưa ký.
Theo quy hoạch của ngành điện, đến năm 2019 nhiệt điện chiếm hơn 48% lượng điện quốc gia. Dự báo nhu cầu than trong “Quy hoạch phát triển ngành than đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” đã được phê duyệt, nhu cầu sử dụng than của nhiệt điện lớn nhất trong tổng nhu cầu than.
Tổng nhu cầu than cả nước năm 2020 cần hơn 86.000 triệu tấn, năm 2030 hơn 156.000 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực của TKV theo giấy phép khai thác chỉ đạt 36-37 triệu tấn/năm than sạch, dự kiến nhập khẩu đến năm 2020 khoảng 9 triệu tấn, năm 2030 là 16 triệu tấn than pha trộn để đáp ứng nhu cầu về than cho nền kinh tế, đặc biệt cung cấp cho nhà máy nhiệt điện.
Tại sao lại có chuyện EVN nói thiếu than trầm trọng, trong khi TKV lại tăng cường xuất khẩu than, rồi lại nhập than về? Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng than xuất khẩu 10 tháng năm nay đạt trên 2 triệu tấn, trị giá hơn 274 triệu USD, giá trung bình 3,2 triệu đồng/tấn, chủ yếu dòng than antraxit.
Cũng trong thời gian này, Việt Nam đã nhập 17,3 triệu tấn than với giá trung bình 2,7 triệu đồng/tấn, cao hơn giá trung bình cùng kỳ năm ngoái 400.000 đồng/tấn và đắt hơn 1,2 triệu đồng/tấn cùng kỳ năm 2016. Như vậy, giá than xuất khẩu đang cao hơn giá than nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những lý do khiến TKV không mặn mà bán than theo giá bao cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong nước. Và cũng chính vì thế, TKV đang có đề nghị tăng 5% giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện. Điện than hiện vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong sản xuất kinh doanh điện ở nước ta, việc giá than tăng 5% chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện trong thời gian tới.
Điều đáng nói, việc bán giá cao, mua về giá thấp nếu đúng thực sự như vậy hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng thiếu than trong bối cảnh vẫn quy hoạch phát triển, cấp phép cho nhà máy nhiệt điện than đầu tư vào Việt Nam là điều hết sức mâu thuẫn.
Trước đây khi chưa có các nhà máy nhiệt điện ồ ạt như bây giờ, than khai thác ra toàn bán rẻ như cho và năm nào cũng tồn đọng số lượng lớn, TKV đã từng xin Chính phủ giảm thuế xuất khẩu. Nay thiếu hụt cũng dễ hiểu, do chúng ta đẩy mạnh phát triển nhà máy nhiệt điện quá nhanh.
Trong bối cảnh bài toán an ninh năng lượng quốc gia đang gặp nhiều điểm nghẽn chưa được giải tỏa, việc hai “ông lớn” của ngành năng lượng lại đang dùng dằng đổ lỗi cho nhau, không “ông” nào chịu “ông” nào, thực sự gây ra mối lo lớn về nguồn cung điện trong tương lai rất gần.
Vì thế, đây là thời điểm bài toán an ninh năng lượng quốc gia đang buộc các nhà quản lý phải cân nhắc lại, xem nên ưu tiên nguồn năng lượng giá rẻ hay là sự phát triển bền vững; để từ đó sớm có quyết sách rõ ràng, mạnh mẽ và hiệu quả, bảo đảm nguồn điện cung ứng cho sự phát triển đất nước, sinh hoạt của người dân.