Để hiểu rõ hơn xu hướng trong năm 2019, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia.
PHÓNG VIÊN: - Theo đánh giá của bà trong năm 2019 thị trường nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ phát triển ra sao?
BÀ NGUYỄN PHI VÂN: - Theo đánh giá của tôi, trong năm 2019 chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy các thương hiệu nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương mại.
Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền sẽ có sự chậm lại hơn một chút do trước đó đã có nhiều thương hiệu vào nhưng không thành công. Nguyên nhân do tính linh hoạt cũng như việc xây dựng mô hình mang tính địa phương của một số thương hiệu vẫn chưa thực sự tốt, nên họ cần chậm lại để điều chỉnh mô hình sao cho phù hợp.
Song trong năm 2019 này có một điều đáng lưu ý, các thương hiệu khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á sẽ đổ bộ Việt Nam nhiều hơn, có khi còn hơn cả các thương hiệu mang tầm quốc tế.
Dễ thấy nhượng quyền là một trong những ngành được chính phủ của nhiều quốc gia công nhận là một cách phát triển DNNVV hiệu quả nhất, mang lại giá trị về thương hiệu và sản phẩm cao nhất. Những năm qua, các DN đặc biệt DNNVV tại một số quốc gia châu Á, được chính phủ của họ hỗ trợ rất nhiều. Họ được học liên tục và có đội ngũ cố vấn nhằm giúp xây dựng những thương hiệu thành công, từ đó đi ra khu vực và thế giới.
Phở 24 là 1 trong 3 DN nhượng quyền thương mại ra nước ngoài.
Điểm mạnh của những thương hiệu trong khu vực là họ rất linh hoạt về tài chính, cách làm cũng như cách hiệu chỉnh mô hình sao cho phù hợp nhất. Đó là cái mà nhiều thương hiệu lớn không có được. Dù vậy họ cũng có điểm yếu là do phát triển quá nhanh, nên sự bài bản và nền tảng trong nhượng quyền thương hiệu lại kém hơn các thương hiệu quốc tế lớn.
- Ở phần ngược lại theo bà lĩnh vực nào Việt Nam có thế mạnh nhượng quyền?
- Đối với Việt Nam, theo tôi có một số ngành nghề truyền thống có thể kinh doanh nhượng quyền như ẩm thực, nông nghiệp, các ngành sản xuất truyền thống như da giày, may mặc hay những ngành nghề thủ công, các dịch vụ làm đẹp…
Ngoài ra có một ngành nghề mà rất nhiều người không nghĩ tới nhưng cũng có thể nhượng quyền được đó chính là công nghệ. Hiện nay có nhiều startup nước ngoài đã nhượng quyền trong mảng công nghệ nhằm phát triển ra toàn cầu.
Nói riêng về mảng ẩm thực, chúng ta có thể thấy các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản họ nhượng quyền rất nhiều thương hiệu ẩm thực ra nước ngoài. Và đã có rất nhiều những món ăn đặc trưng cho đất nước họ được giới thiệu và nhớ tới.
Riêng với Việt Nam, những món ăn như phở Hà Nội, chả cá Lã Vọng, bánh xèo miền Tây, bánh đa cua Hải Phòng, bún cá rô đồng, bún bò Huế, mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, bánh khọt Vũng Tàu, cơm gà Tam Kỳ, bánh canh Trảng Bàng, cơm tấm Sài Gòn, hay những nhà hàng đặc trưng món ăn miền Nam, Trung, Bắc… là những ý tưởng ẩm thực đầy tiềm năng cho ngành nhượng quyền về ẩm thực nước ta ra thế giới.
- Bà có nhắc đến việc startup nước ngoài nhượng quyền thành công, vậy với startup Việt khả năng nhượng quyền có cao không và khi nhượng quyền họ cần chú ý những điều gì?
- Nhượng quyền là một hình thức phát triển kinh doanh, nên có thể sử dụng trong bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt nó rất tốt cho các bạn startup muốn scale up (tăng trưởng) nhanh chóng. Tuy nhiên, để làm được như vậy ngay từ khi hình thành DN, hay một ý tưởng khởi nghiệp các bạn trẻ cần hình thành suy nghĩ phát triển ra khu vực và thế giới, chứ không chỉ đặt mục tiêu chiếm thị trường trong nước.
Và khi đã hình thành suy nghĩ, xây dựng mô hình DN hướng ra toàn cầu, nhượng quyền chính là hình thức dễ dàng và nhanh nhất để hiện thực hóa mục tiêu đó. Tất nhiên cũng có những suy nghĩ cho rằng nhượng quyền là sân chơi của các thương hiệu lớn có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm và sự bài bản nhất định.
Song các “ông lớn” đều đi lên từ các DNNVV hoặc các startup. Vấn đề quan trọng là nhượng quyền có những công thức, những nền tảng được xây dựng hết sức khoa học, nên muốn sử dụng hình thức nhượng quyền thì các DN cần học hỏi nghiêm túc và quan trọng hơn nên có người cố vấn để làm cho đúng và bài bản ngay từ đầu mới bền vững, còn làm theo kiểu tới đâu sửa tới đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Là người tiếp xúc với nhiều startup cũng như các bạn trẻ trong khu vực và thế giới, bà nhận thấy khác biệt lớn nào trong suy nghĩ của người trẻ Việt Nam và thế giới?
- Mùa hè vừa qua tôi có tham dự một cuộc thi khởi nghiệp ở châu Âu diễn ra tại Hà Lan. Cả ba đội đạt giải đều là các em sinh viên, trong đó đội đạt giải nhất là nhóm các sinh viên năm thứ 2 của Hà Lan, giải nhì là nhóm sinh viên người Đức, giải ba là nhóm sinh viên Đan Mạch. Những giải pháp của họ đưa ra giải quyết được khá nhiều vấn đề hữu ích cho xã hội, thậm chí họ đã có được những đơn hàng lớn.
Lúc này tôi tự đặt câu hỏi với sinh viên năm nhất, năm hai của Việt Nam thông thường các bạn sẽ làm gì. Và người trẻ Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, chúng ta còn quá “thảnh thơi” trong khi giới trẻ thế giới đang suy nghĩ giải quyết những vấn đề lớn.
Thứ hai, thách thức khi kinh tế đang chuyển đổi từ sản xuất sang chia sẻ, sáng tạo. Lúc này đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tư duy phản biện, sáng tạo, có khả năng làm việc với mọi người trên thế giới.
Chúng ta còn ở đây nói câu chuyện của riêng Việt Nam đến khi nào. Người trẻ cần thay đổi tư duy, ngay cả nhà đầu tư khi quyết định rót vốn vào startup họ cũng muốn thấy được tầm nhìn phát triển rộng, không chỉ ở nội địa mà còn ra khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn bà.
Theo danh sách của Bộ Công Thương, cho đến thời điểm này Việt Nam mới có 3 DN nhượng quyền thương mại ra nước ngoài: CTCP SX TM-DV Phở hai mươi bốn (Nhà hàng phở 24); DN tư nhân TM - DV Đức Triều (kinh doanh sản phẩm giày dép da, túi xách thương hiệu T&T); Công ty TNHH Vũ Giang (cửa hàng cà phê Bobby Brewers). Trong khi đó các thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Tính từ năm 2007 đến hết 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 DN nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ẩm thực, thời trang, giáo dục đào tạo, cửa hàng tiện lợi… với những thương hiệu lớn như: McDonald’s, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Pepper Lunch, Burger King, (Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen’s (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London, (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi, (Italia)… Trong đó có những chuỗi ẩm thực như Lotteria, KFC… đã có hàng trăm cửa hàng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có 17 DN nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với những thương hiệu như: JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên sản phẩm đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - cửa hàng bán giày và quần áo thể thao nhãn hiệu Puma); Factory Japan Group (Nhật Bản - chuyên dịch vụ xoa bóp, massage)… |