Cuộc đua của các Big Tech vào top 1.000, 2.000 và 3.000 tỷ USD

(ĐTTCO) - Cho đến nay, chỉ vỏn vẹn 7 công ty niêm yết từng chạm mức vốn hóa thị trường từ 1.000 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, một công ty đã bị tụt khỏi danh sách này gần đây, nên “câu lạc bộ” này hiện chỉ còn 6 thành viên. Trong khi đó, Apple, Microsoft và Saudi Aramco là 3 công ty đã phá vỡ cột mốc vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD cho đến nay.

Những anh hùng trong top 1.000 tỷ
Apple chính là “anh cả” khi là công ty đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2018. Nhưng vào đầu tháng 11-2021, hãng này đã bị Microsoft vượt mặt và cam chịu vị trí thứ hai trong câu lạc bộ danh giá. Facebook (Meta) là công ty thứ 7 trong lịch sử chạm mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa, nhưng đã bị rớt khỏi danh sách gần đây do những lùm xùm về đạo đức kinh doanh. 
Người khổng lồ dầu khí lớn nhất Saudi Aramco - là công ty duy nhất không xuất phát từ Mỹ có tên trong câu lạc bộ ngàn tỷ đô, cũng là công ty duy nhất trong câu lạc bộ không phải là một công ty công nghệ (Big Tech). Điều này làm cho nó trở thành một ngoại lệ đáng chú ý, vì các công ty Mỹ thường thống trị bảng xếp hạng của các tập đoàn lớn nhất trên thế giới. 
Hãng xe điện Tesla của tỷ phú nổi tiếng Elon Musk đã đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD lần đầu tiên, nhờ một ngày giao dịch bùng nổ vào thứ Hai ngày 25-10. Cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 10%, sau thông báo về một số tin tức tích cực từ Hertz và Morgan Stanley. Đầu tiên, Hertz, một công ty cho thuê ô tô, đã tiết lộ một đơn đặt hàng 100.000 xe Tesla - đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử của nhà sản xuất ô tô này. Thứ hai, một nhà phân tích ô tô tại Morgan Stanley đã sửa đổi và nâng mục tiêu giá của mình đối với Tesla lên 1.200 USD.
Cuộc đua của các Big Tech vào top 1.000, 2.000 và 3.000 tỷ USD ảnh 1
Liệu Tesla có thể duy trì vị thế là công ty ngàn tỷ đô hay không sẽ là một chủ đề được thảo luận nhiều, vì định giá của họ luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Bởi việc định giá trên thị trường chứng khoán chỉ là ảo, thiếu các yếu tố cơ bản so với các công ty xe hơi truyền thống. Nếu tính vốn hóa từ thị trường xe ô tô đã bán, thì Tesla sẽ có vốn hóa nhỏ hơn nhiều so với các hãng xe khác.
Cụ thể, trong năm 2020, Tesla bán ra 500.000 xe và được định giá là 1.000 tỷ USD, như vậy cứ 1 xe bán ra vào năm 2020, Tesla được định giá thêm 2 triệu USD. Trong khi đó, cùng năm 2020, Toyota bán ra 9,5 triệu xe, nhưng chỉ tăng định giá vốn hóa 25.000USD/xe. Nếu được định giá như Tesla, thì với lượng xe bán ra vào năm ngoái, Toyota phải đạt vốn hóa 19.000 tỷ USD, lớn hơn tất cả vốn hóa của các “tay chơi lớn” trong câu lạc bộ ngàn tỷ cộng lại. Tính đến ngày 11-11, giá trị vốn hóa của Tesla đạt 1.067,95 tỷ USD.
Cuộc đua đến 3.000 tỷ, nhưng cũng có thể lao dốc 
Microsoft hiện có giá trị cao hơn Apple, khiến gã khổng lồ phần mềm đám mây do Satya Nadella lãnh đạo trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Hiện vốn hóa của Microsoft vào khoảng 2.520 tỷ USD, trong khi Apple có giá trị khoảng 2.400 tỷ USD. Xếp kế tiếp là chủ sở hữu Google, Alphabet có giá trị dưới 2.000 tỷ USD, trong khi Amazon được định giá 1.700 tỷ USD.
Nếu tính thêm Tesla mới gia nhập tháng trước, 5 gã Big Tech Mỹ hiện có tổng giá trị gần 10.000 tỷ USD. Con số này tương đương 1/4 tổng vốn hóa thị trường 41.800 tỷ đô la của toàn bộ các công ty trong chỉ số S&P 500. Còn nếu Meta Platforms, gã khổng lồ truyền thông xã hội trước đây gọi là Facebook, có thể phục hồi sau những bê bối hiện tại, S&P 500 sẽ có tới 6 Big Tech trong câu lạc bộ ngàn tỷ đô. Hiện Meta có định giá thị trường khoảng 930 tỷ USD.
Nhưng với sức mạnh không ngừng trong lĩnh vực công nghệ, hoàn toàn có khả năng cả 6 công ty này đều có thể sớm đạt giá trị ít nhất là 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, Microsoft và Apple đang đua đến ngưỡng 3.000 tỷ USD. 
Ngoài ra, các Big Tech khác, chẳng hạn như nhà lãnh đạo chip Nvidia (Mỹ) và Tencent của Trung Quốc, đang tiến gần hơn đến mốc định giá thị trường 1.000 tỷ USD. Sau Meta, thì Berkshire Hathaway của Warren Buffet là công ty gần nhất có thể gia nhập câu lạc bộ “Bốn dấu phẩy”. Hiện Meta có vốn hóa 911,42 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về sự sụp đổ lịch sử trong những năm 1990 và 2000, khi các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ ra về tay trắng. Giám đốc chiến lược Mike O’Rourke của Jones Trading cảnh báo: “Cuộc nổi dậy của Tesla gợi nhớ đến ví dụ của Cisco năm 2000 khi họ gây ra sự sụp đổ thị trường cùng năm đó”.
Cụ thể, cổ phiếu của Cisco đã tăng 50% trong 3 tháng đầu năm 2000, nhiều cơ quan xếp hạng thế giới như Credit Suisse đã dự đoán doanh nghiệp này sẽ trở thành công ty ngàn tỷ đô đầu tiên trên thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Thật không may, dự đoán đó không bao giờ thành hiện thực. Vào thời kỳ đỉnh cao hơn 20 năm trước, Cisco có tổng vốn hóa thị trường là 550 tỷ USD, giờ chỉ còn khoảng 240 tỷ USD. 
Một thí dụ điển hình khác là Tập đoàn Intel, được tin tưởng rộng rãi trong thời kỳ đỉnh cao của nó vào cuối những năm 1990. Nhưng vài năm trở lại đây, cổ phiếu của hãng cũng gặp không ít khó khăn khi không tăng trưởng được như kỳ vọng cũ. 
CNN đưa tin rằng việc trở thành người dẫn đầu thị trường hóa ra dễ hơn việc duy trì nó. Do vậy, không có bằng chứng nào cho thấy Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet hay Tesla sẽ giữ được vị trí hàng đầu trên thị trường trước những thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ. Nhiều công ty mới sẽ được thành lập, nhiều công nghệ mới sẽ ra đời, và danh sách các tập đoàn giá trị nhất thế giới vào những năm 2040 trong tương lai có thể sẽ rất khác so với năm 2021 của ngày hôm nay.

Các tin khác