Singapore - trung tâm tiền ảo
Trong vài năm qua, Singapore đã nổi lên như trung tâm tiền ảo toàn cầu. Các quỹ đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ và công ty liên quan trong ngành tiền ảo đã đổ xô đến thị quốc, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa công nhận tính pháp lý của tiền ảo, hoặc nỗ lực đưa thị trường này vào các khuôn khổ quản lý khắt khe. Những công ty này bao gồm Huobi, sàn giao dịch tiền ảo lúc đầu tập trung ở Trung Quốc nay hiện diện chủ yếu tại Singapore. Các công ty Mỹ như sàn giao dịch tiền ảo Gemini đã thiết lập trụ sở khu vực châu Á của nó tại Singapore.
Singapore cũng đi tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển chế độ cấp phép cho các công ty tiền ảo, giúp thu hút những công ty đang mong mỏi có được sự chứng thực của cơ quan pháp lý uy tín hàng đầu như Singapore để tiện bề làm ăn. Những công ty đầu đàn trong ngành như sàn giao dịch tiền ảo nổi tiếng Coinbase cũng đã nộp đơn xin cấp phép ở Singapore. Thậm chí, ngân hàng lớn nhất nước này là DBS cũng đã ra mắt sàn giao dịch tiền ảo của riêng mình.
Theo dữ liệu của PricewaterhouseCoopers (PwC, 1 trong nhóm Big4 - 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), có tới 6% quỹ tiền ảo có trụ sở ở Singapore, khiến nó cùng với Thụy Sĩ và Hồng Kông cùng chia sẻ vị trí thứ 3 toàn cầu, sau Mỹ và Anh. Trong khi đó, theo KPMG, cũng là 1 trong Big4 kiểm toán, cho biết dòng vốn đầu tư của các công ty trong ngành tiền ảo và blockchain vào Singapore đã tăng vọt lên 1,48 tỷ USD vào năm 2021, tăng gấp 10 lần so với năm 2020, chiếm gần một nửa dòng vốn đầu tư trong ngành của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hồng Kông lỗi nhịp
Tuy nhiên, “vương miện” thủ đô tiền ảo châu Á trước đây vốn không thuộc Singapore, mà thuộc về Hồng Kông. Chỉ cách nay vài năm, Hồng Kông đã là trung tâm tiền ảo của châu Á. Những người chơi tiền ảo trước đây đều biết công ty tiền ảo nổi tiếng Bitmex từng đặt văn phòng của họ ngay trên Ủy ban Chứng khoán và Phái sinh (SFC), cơ quan quản lý ngành tài chính của Hồng Kông. Nhưng năm 2018 SFC đã ra quy định các mã tiền ảo (token) muốn được giao dịch hợp pháp phải có đánh giá pháp lý của SFC về việc liệu nó có phải là chứng khoán hay không. Tuy nhiên, chi phí để có được đánh giá pháp lý của SFC có thể lên tới 10.000USD cho mỗi token.
Cơ quan quản lý của Hồng Kông cũng giới thiệu một quy trình chọn tham gia, giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) có thể lấy được giấy phép kinh doanh chứng khoán và cung cấp các dịch vụ giao dịch tự động. Nhưng quy trình này rất khắt khe. Cho đến nay, chỉ có 2 công ty được cấp phép là BC Group (chủ sàn giao dịch OSL) và HashKey Group. Bên cạnh đó, sự vẫn hoài nghi liệu hương cảng có thể giữ được sự tự trị của mình trong những vấn đề liên quan tiền ảo hay không, đã đẩy nhiều công ty sang Singapore và các nơi khác.
Một vấn đề khác là chính sách Covid. Vào thời điểm này năm ngoái, Hồng Kông là một trong những nơi có các quy định nghiêm ngặt nhất về kiểm dịch, đã khiến xứ cảng thơm bị chảy máu tài năng khá lớn. Nay, các quy định đã được dỡ bỏ phần lớn, hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường, nhưng liệu các doanh nghiệp có quay lại?
Lùa vào rồi siết?
Singapore được ca ngợi đã triển khai những chính sách theo hướng ủng hộ các công nghệ mới nổi như tiền điện tử và blockchain. Chính phủ Singapore cho biết họ sẵn sàng thử nghiệm với các khái niệm mới. Kể từ cuối năm 2016, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã nghiên cứu việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán để thanh toán bù trừ và giải quyết các khoản thanh toán và chứng khoán. Trong khi đó, các cơ quan chính phủ khác của Singapore đã cùng phát triển nền tảng OpenCerts, một nền tảng sử dụng hợp đồng thông minh Ethereum để phát hành và xác thực chứng chỉ kỹ thuật số cho sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục.
Singapore cũng thực hiện cách tiếp cận chủ động đối với tiền điện tử, bằng cách giới thiệu Đạo luật Dịch vụ Thanh toán 2019 (Đạo luật PS). Đạo luật PS điều chỉnh các trung gian giao dịch với một số loại tiền điện tử nhất định, tập trungbảo vệ người tiêu dùng và chống rửa tiền. Nó cũng cung cấp khuôn khổ cấp phép và hoạt động theo quy định ổn định cho các thực thể tiền điện tử, chẳng hạn các sàn giao dịch tiền điện tử. Nhờ vậy, Singpore đã nhanh chóng vươn lên vượt qua Hồng Kông để trở thành trung tâm tiền điện tử châu Á.
Tuy nhiên, sau khi đã đạt được “vương miện”, đảo quốc bắt đầu có những động thái siết lại thị trường tiền ảo. Mới đây, ngày 26-10 MAS công bố các đề xuất hạn chế sự hoạt động bán lẻ đối với các loại tài sản kỹ thuật số, bao gồm cả việc cấm các nhà đầu tư nhỏ vay để tài trợ cho việc mua tiền ảo. Các đề xuất mới cũng bao gồm việc cấm các công ty sử dụng token do các nhà đầu tư bán lẻ ký gửi để cho vay hoặc đặt cọc nhằm tạo ra lợi nhuận. Ravi Menon, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Singapore, cho biết thị quốc vẫn muốn trở thành trung tâm tiền điện tử, nhưng là trung tâm thúc đẩy các lĩnh vực tài sản kỹ thuật số với quy trình sử dụng công nghệ blockchain để bảo mật các tài sản khác nhau.
Giành lại “vương miện”
Hồng Kông hồi đầu tháng 11 cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh lại chính sách với thị trường tiền ảo theo hướng thuận lợi hơn. Cụ thể, Hồng Kông đã đưa ra chương trình cấp phép bắt buộc đối với tất cả VASP. Động thái này được giới tiền ảo đón chào hồ hởi.
Lennix Lai, Giám đốc thị trường tài chính của OKX - sàn tiền ảo có văn phòng ở cả Hồng Kông và Singapore, cho rằng chính sách của Hồng Kông rất quan trọng trên tầm mức toàn cầu. Dù các bên tham gia trong ngành tiền ảo muốn có được giấy phép hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng nếu được giấy phép ở ngay tại trung tâm tài chính hàng đầu như Hồng Kông sẽ tốt hơn nhiều.
Hồng Kông đã có cú “quay xe” tích cực với thị trường tiền ảo, song trong vòng 1 năm tính đến cuối tháng 6-2022, Hồng Kông nhận được tổng cộng 74 tỷ USD tài sản liên quan đến tiền ảo, trong khi Singapore nhận được xấp xỉ 100 tỷ USD.