Liều lĩnh, thiếu kiên nhẫn?
Khi Alexander Ginzburg, nhà vi sinh vật học, Giám đốc Viện Gamaleya ở Moscow, tự tiêm vaccine do ông phát triển, thậm chí còn chưa bắt đầu thử nghiệm trên khỉ. Đó là 4 tháng trước và Ginzburg nói ông vẫn cảm thấy rất ổn. 100 nhân viên của viện cũng đồng ý tiêm vaccine và tất cả đều khỏe mạnh.
Ginzburg đang nghiên cứu vaccine véc-tơ, bao gồm việc đưa vật liệu di truyền từ virus SARS-CoV-2 vào virus mang mầm bệnh vô hại, kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người sản xuất kháng thể. Ginzburg không quan tâm nhiều đến những rủi ro khi tiêm một chất vẫn đang trong quá trình phát triển. Điều này cho thấy cuộc chạy đua chế tạo vaccine Covid-19 đang tăng tốc, nhằm bảo vệ người dân và mở cửa lại nền kinh tế một cách sớm nhất. Quan trọng hơn, vaccine không chỉ đại diện cho bước tiến trong cuộc chiến chống lại virus, nó còn chuyển thành quyền lực, uy tín và tiền bạc, vì phần còn lại của thế giới sẽ tranh nhau mua.
Với hơn 865.000 ca nhiễm Covid-19, Nga là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ tư trong đại dịch và Tổng thống Vladimir Putin đang thúc đẩy bước đột phá trong phát triển vaccine. Chính phủ cho biết hơn 20 quốc gia từ châu Á, châu Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông đã đặt mua 1 tỷ liều vaccine này. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Vasily Vlassov của Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, cảnh báo sự hưng phấn quá sớm. Vlassov chỉ trích chính phủ đã hạ thấp các rào cản pháp lý. Moscow dự định bắt đầu sản xuất vaccine này vào tháng 9 hoặc 10, dù các nghiên cứu lâm sàng chưa chuyển sang giai đoạn 3 thử nghiệm quyết định. “Nga đang vi phạm các quy tắc được quốc tế chấp nhận” -ông nói.
Hơn nữa, việc tham gia thử nghiệm phải tự nguyện, tất cả dữ liệu liên quan đến các thử nghiệm phải được công khai để các cơ quan chính phủ và nhà khoa học có thể đánh giá. Cho đến nay, hầu như không có bất kỳ dữ liệu khoa học nào được Viện Gamaleya công bố, trong khi chỉ có 76 đối tượng thử nghiệm tham gia giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai, một nửa trong số đó là quân nhân, nửa còn lại là dân thường, những người nhận được 100.000 rúp cho sự tham gia của họ.
Không chỉ Nga có xu hướng liều lĩnh quá mức, Ấn Độ cũng thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Ngành công nghiệp dược phẩm của nước này là nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới, dù hầu hết chúng được phát triển ở nước khác. Thủ tướng Narendra Modi muốn thay đổi tình trạng đó, nên 7 công ty dược phẩm của Ấn Độ đang tìm cách phát triển vaccine Covid-19, trong đó Công ty Bharat Biotech đã đạt được nhiều tiến bộ nhất. Công ty đã đặt tên cho “ứng cử viên” của họ là Covaxin, với dự kiến đưa ra công chúng trước ngày 15-8, Ngày Độc lập của Ấn Độ. Ngay lập tức Viện Hàn lâm Khoa học Ấn Độ gọi mốc thời gian này là không khả thi và không hợp lý.
Rủi ro ngoại giao và gián điệp
Rủi ro ngoại giao và gián điệp
Tuy nhiên, quốc gia ưa thích trong cuộc chạy đua về vaccine không phải là Ấn Độ mà là Trung Quốc. 3 trong số 7 ứng cử viên trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm 3 được phát triển bởi các nhà khoa học Trung Quốc. 4 vaccine khác đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đến từ các công ty Anh-Thụy Điển AstraZeneca, Biontech của Đức, Moderna của Mỹ và Đại học Mel-bourne/Viện Murdoch của Australia. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tiến hành thử nghiệm các vaccine của họ ở nước ngoài: Sinopharm đang thử nghiệm giai đoạn III ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong khi Sinovac hướng đến Brazil.
Yanzhong Huang, chuyên gia y tế của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết Bắc Kinh đã hứa với 2 quốc gia này và các quốc gia thân Trung Quốc khác được tiếp cận với vaccine. Theo ông, điều đó có chút rủi ro chính trị vì Trung Quốc không thể kiểm soát phương tiện truyền thông ở các nước tiếp nhận, có thể có những báo cáo tiêu cực về các tác dụng phụ có thể xảy ra. “Đó sẽ là thất bại ngoại giao đối với Trung Quốc” - Yanzhong cảnh báo.
Ngoài ra, dù Trung Quốc đang đi trước các nước khác trong việc phát triển vaccine, nước này dường như đã chuyển sang cơ quan tình báo của mình để được giúp đỡ. Vào tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 2 tin tặc Trung Quốc được cho đang tìm kiếm điểm yếu trong hệ thống máy tính của mạng lưới các công ty công nghệ sinh học và các công ty khác đang tiến hành nghiên cứu vaccine Covid-19. 2 người này được cho đã hoạt động dưới sự bảo trợ của một sĩ quan trong Bộ An ninh Trung Quốc. Công ty công nghệ sinh học Moderna xác nhận đã được FBI thông báo về âm mưu gián điệp. Chính quyền Trump đặt nhiều hy vọng vào công ty có trụ sở tại Massachusetts, đã cung cấp cho dự án phát triển vaccine của họ với số tiền gần 1 tỷ USD. Công ty bắt đầu thử nghiệm giai đoạn III vào cuối tháng 1.
2021 có vaccine đủ chuẩn?
Tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 70% trên toàn cầu để chấm dứt đại dịch, có nghĩa 5,5 tỷ người sẽ cần được tiêm chủng. Nếu vaccine duy nhất được chấp thuận là vaccine 2 liều, cần phải có 11 tỷ liều. Cũng có khả năng miễn dịch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ phải tiêm phòng lại thường xuyên. Một cuộc khảo sát về năng lực sản xuất được thực hiện bởi Liên minh Đổi mới phòng ngừa Dịch bệnh (CEPI), cho thấy công suất toàn cầu hiện tại 2-4 tỷ liều từ tháng 10 đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, CEPI nói ước tính của họ có thể đã lỗi thời khi các công ty tích cực tăng cường năng lực sản xuất.
AB Bernstein ước tính toàn ngành công nghiệp vaccine trị giá khoảng 52 tỷ USD/năm. Các công ty Sanofi, Merk, Pfizer và GlaxoSmithKline, chiếm 85% thị trường. Hiện nhiều quốc gia đang thực hiện các thỏa thuận với các nhà sản xuất vaccine. Như “Chiến dịch Warp Speed" của Mỹ đã thực hiện các giao dịch với Sanofi, GlaxoSmithKline, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax và Pfizer.
Không chỉ các quốc gia vung tiền mặt mới có được vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới, CEPI và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), đã ra mắt Covax. Đó là chương trình nhằm mục đích phân phối 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Hy vọng điều này sẽ kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch. Các quốc gia tham gia đã chung tiền và tài trợ cho một số loại vaccine. Vaccine nào được chấp thuận, sẽ được phân phối công bằng cho các nước tham gia. Mục tiêu 20% dân số của một quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Theo hướng dẫn về vaccine của WHO, mọi chất mới trước tiên phải được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Sau đó mới đến 3 giai đoạn thử nghiệm trên người. Mỗi giai đoạn đều rất quan trọng để xác định vaccine mới có an toàn và hiệu quả, trước khi đưa vào sử dụng chính thức.