Cuộc sống người dân 'đảo lộn' vì cúp điện

(ĐTTCO) - Bước vào mùa hè nóng bức, là thời điểm cần điện nhất phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhưng cũng là lúc ngành điện cúp điện. Điều tréo ngoe này cũng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Cuộc sống người dân 'đảo lộn' vì cúp điện

TPHCM cúp điện vào giờ cao điểm

Chị Thanh Tuyền, cư ngụ tại chung cư Dreamhome Luxury (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) kể: Sáng 18-5, máy giặt trong căn hộ đang chạy bỗng dừng đột ngột, nên liền gọi trung tâm bảo hành máy giặt. Vừa gọi xong đi mở tủ lạnh, thấy cũng tắt ngúm, lúc đó mới nhớ là hôm nay cúp điện trên địa bàn. Mấy ngày qua, việc cúp điện dẫn tới sinh hoạt bị đảo lộn.

Tương tự, anh Văn Cao Khanh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết văn phòng mở trong khu chung cư, điện cúp nên từ 8 giờ sáng 19-5 phải chạy sang quận Gò Vấp tìm quán cà phê, ngồi làm việc.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân), công nhân một công ty may mặc, cho biết: Xóm trọ tôi nắng nóng và chật hẹp. Cúp điện tôi không thể ở trong phòng cả ngày nên chỉ còn cách ra công viên ngồi cho đỡ nóng.

Người dân ở một số quận huyện cho biết đã bị cắt điện trong 2 ngày qua, phổ biến trong khung giờ từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã phải tạm ngưng hoạt động cả ngày trong thời gian mất điện, thiệt hại tài chính không ít.

Ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, khi bị cúp điện nửa ngày (từ sáng đến đầu giờ chiều) thì coi như không làm được gì. Vì thường, thời gian làm nóng để khởi động các dây chuyền sản xuất mất hết 2-3 tiếng đồng hồ; trừ đi giờ nghỉ trưa, giải lao, với khoảng thời gian còn lại trong ngày, doanh nghiệp không có được bao nhiêu thành phẩm...

Thủy điện thiếu nước

Liên tiếp nhiều ngày qua, nắng nóng và khô hạn diễn ra trên diện rộng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên khiến lượng điện tiêu thụ rất cao, có nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện diện rộng. Trong khi đó, nguồn cung từ thủy điện có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, mực nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 xuống mức quá thấp, không bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định, nên tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện dừng vận hành xả nước phát điện để tích nước, góp phần chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du trong mùa khô năm nay. Mặt khác, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình cùng kỳ 20%-60%.

Mực nước hồ thủy điện An Điềm (Quảng Nam) xuống thấp. Ảnh: HOÀNG NGỌC
Mực nước hồ thủy điện An Điềm (Quảng Nam) xuống thấp. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Do lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, nhiều nhà máy thủy điện (Ialy, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ…) hoạt động cầm chừng nhiều ngày qua. Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên chiếm khoảng 38% nên sẽ còn khó khăn về nguồn điện khi mực nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu, nhất là trong các tháng 5, 6, 7. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, tình hình cung cấp điện sẽ rất không ổn định.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã chỉ đạo các đơn vị bố trí thời gian cắt điện phù hợp, tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện phục vụ người dân.

Trong khi đó, theo Công ty Thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai), hiện nước tại hồ thủy điện thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn đảm bảo đẩy mặn cho vùng hạ du, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Đơn vị xác định sản xuất điện là thứ yếu, mục đích quan trọng nhất là chạy máy để đẩy mặn, cung cấp và đang phối hợp chặt chẽ với các nhà máy nước trên sông Đồng Nai nhằm theo dõi sát sao độ mặn ở vùng hạ du.

Đề nghị nhường khí cho điện

Ngày 19-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, cho ngừng toàn bộ Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện đến hết tháng 5.

Theo EVN, hiện nay hệ thống điện đang vận hành rất khó khăn, các hồ thủy điện thiếu nước, việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành… Trong đó, nguồn khí Đông Nam bộ đang trên đà suy giảm mạnh, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn đạt trung bình khoảng 13,5-14 triệu m3/ngày, nhưng nhu cầu khí để vận hành tối đa các nhà máy tourbin khí tại khu vực Đông Nam bộ là trên 21 triệu m3/ngày.

Lượng khí Tây Nam bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tourbin khí tại Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày…

Các tin khác