Tham dự còn có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Watanabe Nobuhiro; Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Shimizu Akira…
Dự án tiên phong về công nghệ
Việc đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 nhận được sự quan tâm rất lớn của giới báo chí trong nước và Nhật Bản, vì đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu TPHCM chuẩn bị đưa dự án vào vận hành khai thác vào cuối năm 2021. Sau khi làm lễ đón tàu, lãnh đạo TPHCM cùng các nhà thầu, đơn vị thi công vào bên trong tàu để tham quan, tìm hiểu các chức năng của từng bộ phận.
Tại buổi lễ đón đoàn tàu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu đánh giá cao quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo ông, dự án được triển khai một cách thuận lợi là nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và TPHCM, cũng như nỗ lực hết mình của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM và các tư vấn, nhà thầu công trình. Nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và người dân, chính quyền TPHCM, các tư vấn và nhà thầu Nhật Bản đã áp dụng kỹ thuật cao của Nhật Bản, đồng thời có điều chỉnh kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình thực hiện cũng như vận hành toàn dự án trong tương lai.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo TP khảo sát bên trong đoàn tàu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Việc xây dựng nhà ga Bến Thành đã được tiến hành một cách thuận lợi, đoạn thi công ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son và đoạn trên cao về cơ bản đã được hình thành. Việc tập huấn lái tàu để vận hành đoàn tàu cũng đã được bắt đầu thực hiện từ tháng 7. Có thể nói những kỹ năng thực hiện phần mềm, phần cứng của dự án đều được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ rất hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đáp lời Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn lãnh đạo các cấp của Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân Nhật Bản đã đồng hành trong suốt quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, TPHCM cũng đã đầu tư bằng vốn đối ứng của thành phố. Đây là dự án tiên phong của TPHCM về đường sắt đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán về hạ tầng giao thông đô thị.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn tất công tác thi công, đạt gần 77% khối lượng toàn tuyến. “Đây không chỉ là đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên mà còn cùng nhau hướng tới những cột mốc quan trọng tiếp theo của dự án. Đó là việc bàn giao các đoàn tàu tiếp theo và đảm bảo mục tiêu đưa dự án vào vận hành cuối năm 2021”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cam kết, thành phố sẽ tạo nhiều điều kiện để tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, đến ngày người dân TPHCM đi trên những toa tàu được chế tạo tại Nhật Bản và vận hành bởi công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản. “Lãnh đạo thành phố tin rằng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ tạo thêm nhịp cầu giao lưu giữa TPHCM và Nhật Bản”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Cam kết đúng tiến độ
Trước đó, báo cáo tại buổi lễ, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường đã tóm tắt những cột mốc quan trọng trong quá trình thực hiện dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án đã trải qua nhiều “thăng trầm” và để có được kết quả như hôm nay.
Đến nay, đoàn tàu nhập về đã được lắp đặt an toàn tại khu vực chạy thử nghiệm. Thời gian tới, đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. Cụ thể, trong quý I-2021, vận hành thử nghiệm trong depot; quý III-2021, vận hành thử nghiệm từ depot đến ga Bình Thái; quý IV-2021 vận hành thử nghiệm từ depot đến ga Tân Cảng; cuối cùng, chạy trên toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray… Từ nay, công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo về TPHCM sẽ được tăng tốc theo tiến độ thực hiện của dự án.
Theo ông Bùi Xuân Cường, quá trình hình thành và hoàn thiện đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trải qua 2 giai đoạn chính. Giai đoạn từ 2014 - 2015, phiên bản mô hình đoàn tàu theo đúng kích thước thực tế đã được thiết kế, sản xuất tại Nhật Bản, vận chuyển về TPHCM và tiến hành trưng bày tại khu vực depot Long Bình để lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo nhân dân thành phố. Giai đoạn từ 2017-2019, nhà thầu Hitachi tiến hành sản xuất các bộ phận của đoàn tàu tại nhiều nhà máy tại Nhật Bản, tổ chức lắp ráp đoàn tàu thành phẩm tại nhà máy Kasado, đồng thời, tiến hành thử nghiệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối các bộ phận và đoàn tàu hoàn chỉnh trước khi xuất xưởng theo đúng các tiêu chuẩn của dự án.
Đoàn tàu được thiết kế có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điều khiển chạy tàu thông qua vô tuyến, vận hành tàu tự động, trên toàn tuyến có hệ thống theo dõi chạy tàu tự động. Thân toa tàu được làm bằng hợp kim nhôm, toa tàu được trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ hành khách trong trường hợp khẩn cấp; có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ, thân thiện cho người khuyết tật sử dụng, bố trí vị trí ngồi ưu tiên cho người già, phụ nữ mang thai…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cùng các nhà thầu và nhà tư vấn nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; quản lý dự án theo đúng các quy định và tuân thủ chặt chẽ về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật để triển khai thi công dự án đảm bảo chất lượng; thường xuyên kiểm tra rà soát tiến độ thực hiện dự án, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện phải báo cáo ngay cho thành phố để xử lý.