Ngày 7-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TPHCM.
Theo đó, TPHCM sẽ tiêm vaccine liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...). Những người này phải tiêm mũi vaccine cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày; ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên.
Trong khi đó, liều nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Các trường hợp được ưu tiên là: người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.
TPHCM tổ chức tiêm từ ngày 10-12 tùy theo nguồn cung ứng vaccine. Trong năm 2022, TPHCM tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo phủ liều nhắc cho toàn bộ người trên 18 tuổi sống tại TPHCM, vào cuối năm 2022.
Về loại vaccine, nếu các mũi trước đó cùng loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc cùng loại hoặc vaccine mRNA. Nếu mũi tiêm trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc cùng loại hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca).
UBND TPHCM giao Sở Y tế TPHCM thường xuyên theo dõi tiến độ cung ứng vaccine từ Bộ Y tế, tiến độ tiêm chủng để điều phối vaccine phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM giám sát chặt chẽ về chuyên môn trong quá trình tổ chức tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vaccine phòng Covid-19.