Đây là 1 trong 7 công trình vi phạm nằm trên địa bàn phường 12 với mức độ vi phạm lớn, chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu khắc phục nhưng chủ nhà không chấp hành. Thời gian tới đây UBND quận 10 sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế các công trình còn lại vi phạm xây dựng trong tháng 5 và tháng 6.
Có thể nói đây là động thái quyết liệt của TPHCM nhằm lập lại trật tự trong xây dựng ở khu vực các quận trung tâm. Dù vậy, khi đứng trước căn nhà khá bề thế bị đập phá cắt mất 3 trong 9 tầng, hủy bỏ 400m2 là cả đống tiền tính ra nhiều tỷ đồng, không chỉ gia chủ mà ai đi qua cũng thấy xót của.
Làm sai để “chạy chọt” rồi hợp thức hóa
Làm sai để “chạy chọt” rồi hợp thức hóa
Thực ra, việc xây dựng trái phép đã diễn ra âm ỉ từ rất lâu ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác, trở thành vấn nạn xây dựng và thách thức dư luận xã hội. Nếu phải đập phá hết các công trình vi phạm giấy phép xây dựng trên phạm vi toàn quốc, quả là không dễ, ngày công và số tiền bỏ ra rất lớn. Câu hỏi đặt ra, tại sao biết vi phạm sẽ bị thiệt hại, nhiều chủ đầu tư vẫn cả gan xây dựng sai giấy phép?
1 trong 7 công trình sai phép tại phường 12, quận 10
sẽ buộc phải cưỡng chế cắt ngọn.
sẽ buộc phải cưỡng chế cắt ngọn.
Việc xây dựng công trình nhà ở, chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ đều phải tuân theo các quy định và tiêu chuẩn xây dựng rất chặt chẽ, đặc biệt các công trình nằm ở khu vực các quận trung tâm. Trong giấy phép xây dựng ghi rõ mật độ, hệ số xây dựng, lộ giới, chiều cao công trình… nhằm đảm bảo công trình hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh về chiều cao, hình khối, màu sắc; đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông, không làm tăng dân số khu vực, không làm quá tải hệ thống dịch vụ như cung cấp điện, nước, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, thu gom rác thải, công viên.
Ở một số địa điểm còn có những yêu cầu khắt khe hơn, chẳng hạn gần sân bay chiều cao công trình không được vi phạm phễu bay, không được xây cao để có thể quan sát các công trình an ninh, quốc phòng kế bên, các công trình vui chơi, ăn nhậu không được sát kề công trình tôn giáo, ở nơi có nền đất yếu không được xây các tòa nhà có tải trọng lớn gây lún sụt, các công trình không xây cao che chắn tầm nhìn ra biển, và công trình xây dựng không cao hơn, to hơn các công trình mang tính biểu tượng quốc gia…
Giấy phép ghi là vậy, nhưng chủ đầu tư các công trình kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, karaoke, cao ốc cho thuê thường tìm mọi cách để tăng diện tích sử dụng. Họ sử dụng rất nhiều tiểu xảo, như xây tràn ra lộ giới, thêm tầng bằng cách ăn gian tầng kỹ thuật và biến sân thượng thành phòng ở, xây lố ban công. Thậm chí họ cố tình xây vượt quy định nhiều tầng với tốc độ cực nhanh đưa chính quyền vào sự đã rồi, chấp nhận chịu nộp phạt và tìm cách chạy chọt để hợp thức hóa phần xây lố.
Với những công trình có quy mô lớn, họ xây dở dang rồi xin điều chỉnh nâng tầng, cơi nới, nếu chính quyền không giải quyết họ bỏ lửng nhiều năm khiến mọi chuyện rối tung lên, người dân mua nhà chung cư theo kiểu huy động vốn ứng trước phản đối kiện tụng, công trình dở dang gây phiền toái cho xã hội, tạo hình ảnh mất mỹ quan, đẩy chính quyền vào thế buộc phải nhân nhượng…
Thách thức chính quyền?
Đặc biệt, nhiều công trình hoành tráng, chủ đầu tư chây ỳ, thách thức chính quyền muốn thì tự giải quyết, mà tiêu biểu là công trình 8B Lê Trực ở quận Ba Đình, Hà Nội. Công trình này vi phạm xây vượt tầng, vượt chiều cao 16m (tương đương 5 tầng) so với giấy phép xây dựng được cấp, sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp công trình, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng hơn 6.900m2.
Điều khó coi nhất là công trình chỉ cách lăng Bác 400m nhưng chiều cao lại cao hơn lăng. Sự sai phạm này được phát hiện từ năm 2012 nhưng phải mất đến 10 năm Hà Nội mới cơ bản xử lý xong các sai phạm. Lý do, chủ đầu tư không hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết, đánh bài lỳ với đủ lý do để chính quyền cho qua.
Dù cố gắng nhưng việc phá dỡ trên không thể giải quyết triệt để, vì nếu tiếp tục sẽ tổn hại đến kết cấu công trình gây nguy hiểm, do vậy chiều cao tòa nhà sau phá dỡ so với giấy phép vẫn vượt 5,5m, diện tích sàn tăng khoảng 2.800m2. Tổng kinh phí cho việc phá dỡ 38,2 tỷ đồng do chính quyền TP ứng trước, không biết đến bao giờ chủ đầu tư mới hoàn trả.
Trường hợp tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà của chủ đầu tư Doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên ở Đà Nẵng cũng lùng nhùng mất nhiều năm, đến tháng 4-2021 quận Ngũ Hành Sơn mới tiến hành việc cưỡng chế, phá dỡ các hạng mục sai phạm.
Có sự bảo kê?
Những sai phạm trong xây dựng đã có từ hàng chục năm nay và hầu như ở tỉnh thành, quận huyện nào cũng có. Nhưng rõ ràng cách xử lý không kiên quyết và không công bằng đã để lại những hệ quả tiêu cực cho xã hội. Nhiều gia đình cải tạo nhà ở chỉ vi phạm nhỏ như làm ban công rộng hơn, hay trổ cửa sổ trong hẻm nhỏ đều bị cưỡng chế tháo dỡ và phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, nhiều công trình hoành tráng vi phạm nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần, nhưng bằng cách này cách khác được hợp thức hóa, hoặc phạt chiếu lệ cho tồn tại, đã gây bức xúc xã hội, giảm niềm tin của người dân. Có thực tế không thể phủ nhận, đằng sau những sai phạm đó bao giờ cũng có sự bảo kê của ai đó trong chính quyền, nên người vi phạm mới chây ỳ, thậm chí thách thức chính quyền.
Việc cưỡng chế như thế không ai mong muốn, bởi dù muốn hay không cũng là thiệt hại đến nhiều phía về tiền bạc, công sức, thời gian và uy tín, những vi phạm ở chung cư còn mang lại sự bất an cho người dân. Dù vậy việc cưỡng chế là cần thiết, bởi nếu không lập lại được trật tự xây dựng, tác động của nó đến xã hội rất xấu, cái mất do cưỡng chế xem ra còn nhỏ hơn cái lợi mang lại lâu dài cho xã hội.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở chỗ làm sao đừng để những sai phạm xảy ra. Theo đó, chính quyền cần ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh, còn chủ đầu phải tự ý thức về trách nhiệm với xã hội. Và nếu cố tình xây dựng trái phép phải cương quyết cưỡng chế, phạt thật nặng.