Mong mỏi được khoanh nợ
Theo công bố của NHNN, tính đến ngày 31-5-2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu cơ cấu nợ, giảm lãi suất đang ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), đã kiến nghị lãnh đạo TPHCM hỗ trợ làm việc với hệ thống NH để tiến hành việc khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ và xem lại chính sách lãi suất vì trong giai đoạn giãn cách cũng có DN phải tới hạn trả nợ gốc… vì qua đợt TP thực hiện phòng chống dịch, các DN rất khó khăn.
Còn ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM đề nghị những DN nào được cơ cấu năm ngoái, năm nay không trả được mặc nhiên các NH sẽ chuyển nợ quá hạn, chuyển nhóm nợ nên gặp khó khăn. Ông Việt cũng chia sẻ, năm 2020, ngành NH công bố mức giảm lãi vay 1-1,5%/năm, hiện tại đồng thuận giảm 1%/năm nhưng thực tế chưa đến mức đó. Khoản giảm đó chưa đủ thuyết phục chưa giúp DN vượt qua khó khăn. Vì vậy, NHNN cần có văn bản kịp thời, giúp DN giảm lãi suất 1%/năm như công bố.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), ngành NH thường xuyên đề cập vấn đề cơ cấu nợ, khoanh nợ, giảm lãi. Tuy nhiên, suốt mùa dịch vừa rồi, các DN trong ngành lương thực chỉ được giảm lãi nhưng không được khoanh nợ. Trong cơ cấu vay nợ của DN 60% là vốn ngắn hạn, 40% là vốn trung, dài hạn đầu tư máy móc thiết bị. DN mong muốn được cơ cấu nợ, hoãn trả nợ đối với vốn ngắn hạn từ 4-6 tháng, còn lãi vay DN vẫn trả cho NH.
NH không cứu nổi
Có thể thấy, ngành NH đã vào cuộc rất sớm trong câu chuyện hỗ trợ DN từ khi đại dịch xuất hiện. Cụ thể, năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, và sau đó sửa đổi bổ sung bằng Thông tư 03/2021, cùng với đó thực hiện nhiều giải pháp giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hệ thống NH cũng gặp một số vấn đề khi triển khai.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, DN khó khăn thì NH cũng khó khăn. Mới đây, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, NHNN đứng ra chỉ đạo, định hướng, Hiệp hội NH Việt Nam đã họp với 16 NH lớn để tạo sự đồng thuận giảm lãi suất. Nhưng mức độ giảm lãi suất còn phụ thuộc vào năng lực, khả năng tài chính của từng NH. Đồng thời trong hỗ trợ, các NH quan tâm đến các đối tượng khó khăn trước, bởi nguồn lực của NHTM có hạn.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ, Thông tư 03/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 trong bối cảnh dịch chưa phức tạp và ảnh hưởng lớn như hiện nay. Vì vậy, thời điểm này có những vấn đề cần phải xem xét. Những DN đã được cơ cấu nợ do tác động của dịch Covid-19, các NH vẫn tiếp tục cho vay nếu DN có nhu cầu, những khoản vay có hạn mức tín dụng ngắn hạn trả vào NH vẫn cho nhận nợ lại bình thường. Nhưng theo quy định, các khoản dư nợ phát sinh vay NH trước 10-6-2020 mới được cơ cấu nợ theo Thông tư 03/2021. Trong khi dịch bệnh kéo dài như hiện tại ảnh hưởng đến những DN phát sinh dư nợ tại NH sau ngày 10-6-2020. Nhóm này cũng có nhu cầu cơ cấu nợ trong thời gian trước mắt và tiếp theo.
Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh hiện tại, phải tiên liệu trước sau ngày 31-12-2021, các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi đến hạn cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vì với tình hình này, DN còn khó khăn kéo dài, các nghĩa vụ nợ đến hạn đầu năm 2022 có thể cũng phải cơ cấu và thời hạn cơ cấu có lẽ phải dài hơn. Vì muốn trả được nợ hiện hữu và nợ cơ cấu, doanh thu dòng tiền phải vượt trội lên, để vừa trả được nợ đến hạn, vừa trả nợ cơ cấu thời gian trước.
Quan điểm của NH và DN cho thấy, sự hỗ trợ của NH có hạn nhưng nhu cầu của DN lại quá lớn. Qua ghi nhận từ một số nhà băng cho thấy, trong vấn đề cơ cấu nợ, giảm lãi suất, đối tượng hướng đến là 5 lĩnh vực ưu tiên cùng với nhóm chịu tác động mạnh từ dịch bệnh như vận tải hành khách, dịch vụ, du lịch lữ hành, giáo dục y tế… Những lĩnh vực khác tùy vào mức độ suy giảm lợi nhuận của chính mình, NH sẽ có tính toán phù hợp.
Phân tầng DN để hỗ trợ
Trước bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, DN cần được hỗ trợ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng hỗ trợ DN nên chia thành 3 loại hình DN, phân tầng để có giải pháp tương thích, không thể dồn tất cả các DN vào cùng một giải pháp. Cụ thể, DN nào đã ngừng hoạt động, giải thể phá sản có giải pháp khác; DN nào hiện đang tạm ngừng hoạt động có giải pháp khác; DN đang hoạt động phải cứu đến cùng.
Bởi các DN này chấp nhận hoạt động trong điều kiện lỗ, chấp nhận nhiều khoản chi, hy sinh để duy trì. DN hiện tại cần được mở rộng tiêm vaccine cho người lao động và “tiêm” tiền để đảm bảo sản xuất. Nguồn lực hỗ trợ tài chính cho DN bao gồm các gói hỗ trợ về giảm giãn thuế phí và vốn để hoạt động.
Liên quan đến vấn đề tín dụng, NHNN phải có chính sách cụ thể để giãn, giảm khoanh hợp lý nhằm có nguồn tiền nào để lại cho DN, giúp DN có tính thanh khoản. Đó là những vấn đề cần thiết cần kiến nghị lên Chính phủ để có sự hỗ trợ kịp thời, vì hiện Chính phủ đang soạn văn bản để ban hành nghị quyết triển khai Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội, trong đó có lồng ghép nội dung về liên quan đến kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ DN.
Một quan điểm nữa trong vấn đề hỗ trợ DN được nêu lên khá nhiều trong thời gian gần đây là cần có gói hỗ trợ tín dụng cho cộng đồng DN. Điển hình như đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nên nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho nhóm DN dễ tổn thương nhất là các DN nhỏ và vừa. Quy mô gói hỗ trợ khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm; và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm chứ không đại trà cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương… Giả sử lãi suất cho vay NH khoảng 7-8%/năm, DN chỉ phải trả 3-4%/năm, còn lại ngân sách cấp bù. Như vậy, Chính phủ sẽ phải bỏ tiền ngân sách ra khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ.