“Xác sống” doanh nghiệp
Các công ty được gọi là “xác sống” khi lâm vào tình trạng kinh doanh không có lãi, nhưng không bị thanh lý hay thâu tóm. Nói cách khác, họ “sống không ra sống, chết không ra chết”, không hề có dấu hiệu của sự sống nhưng vẫn lê lết trong môi trường kinh doanh.
Khái niệm doanh nghiệp “xác sống” thực ra không mới. Nó bắt nguồn từ Nhật Bản những năm 1990, vào thời kỳ hậu bong bóng kinh tế. Trong giai đoạn này, các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn không sinh lời, và chính phủ Nhật Bản cũng có những động thái ủng hộ chủ trương này.
Theo tính toán năm 2012 của chuyên gia Nakamura Junichi (Đại học Hitotsubashi) và Fukuda Shinichi (Đại học Tokyo), hệ quả của chính sách trên là vào năm 2001 số lượng “xác sống” chiếm đến hơn 15% công ty niêm yết.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Nhật Bản buộc phải cải cách triệt để luật kế toán và chính sách giám sát ngân hàng. Nhờ đó, tỷ lệ công ty “xác sống” giảm đáng kể do nhiều công ty làm ăn khấm khá hơn.
“Xác sống” giờ không còn là vấn đề của riêng Nhật Bản. Thống kê của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), cho thấy ở các nước giàu, vào thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cứ 6 công ty niêm yết có 1 “xác sống”, trong khi tỷ lệ này vào những năm 1980 chỉ 1/20. Những công ty này không có đủ doanh thu để trang trải cho việc trả lãi trong 3 năm liên tiếp và bị định giá thấp.
Nguy cơ từ “xác sống”
Để giải quyết doanh nghiệp “xác sống”, các ngân hàng có thể đưa con nợ của mình vào diện phá sản, từ đó truy hồi vốn thông qua việc tái cấu trúc, bán hay thanh lý công ty.
Tuy nhiên, thay vì tiêu diệt doanh nghiệp “xác sống”, họ lại chọn phương án kéo dài sự sống bằng cách cho phép các công ty vay nợ mới để trả nợ cũ. Đây là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo đó, cho công ty có triển vọng yếu kém vay sẽ không phải trả giá quá đắt nếu chi phí huy động thấp. Các ngân hàng có tình hình tài chính không tốt (do lãi suất thấp dẫn đến khả năng sinh lời kém) càng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp “xác sống” hơn để làm lợi cho chính mình nhờ xóa được lỗ từ nợ xấu.
Hơn nữa, các ngân hàng càng có lý do để làm điều này nếu quá trình phục hồi sau khi phá sản phức tạp và tốn nhiều công sức của các bên, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là các đối tượng dễ bị “xác sống hóa” nhất.
Mặc dù công ty “xác sống” không cần phải sinh lời cũng có thể trả lương cho nhân viên và giữ việc làm, nhưng chúng lại mang đến những mối nguy tiềm tàng cho nền kinh tế.
Sự tồn tại của các công ty đó (không khác người bệnh sống thực vật) có thể ngăn cản các công ty mới tham gia thị trường. Người lao động bị trói buộc vào các công ty không còn tương lai, khó tìm kiếm việc làm mới. Điều này dẫn đến phân bổ lao động trong nền kinh tế thiếu hiệu quả.
Ngoài ra, các công ty “xác sống” ít đầu tư và cải tiến hơn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp “xác sống” cao khiến các công ty khỏe mạnh gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư.
Lợi nhuận biên của họ bị ảnh hưởng do các công ty “xác sống” không có động lực kiếm lời, từ đó khiến động lực đầu tư của chính họ suy giảm.
Theo BIS, mỗi phần trăm gia tăng thị phần của các doanh nghiệp “xác sống” cũng làm giảm chi tiêu vốn của các công ty khỏe mạnh 1%, và giảm tăng trưởng năng suất 0,3%. Sự trì trệ của các doanh nghiệp “xác sống” cũng sẽ khiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ xấu đi.
Covid-19 làm gia tăng doanh nghiệp “xác sống”?
Covid-19 làm gia tăng doanh nghiệp “xác sống”?
Các biện pháp cứu trợ doanh nghiệp trong thời Covid là cần thiết, nhưng cũng cần cân nhắc cụ thể để bảo đảm nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, không bị trì trệ bởi các công ty “xác sống”. |
Trong những năm gần đây, các khoản vay vô điều kiện được phát hành nhiều hơn. Điều này khiến các chủ nợ gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy tái cấu trúc hay thanh lý các công ty không có khả năng sinh lời.
Hơn nữa, các công ty cũng phát hành trái phiếu lãi suất cao như một cách huy động vốn chi phí thấp, để cầm cự cho đến khi tình hình kinh tế khả quan hơn. Tổng giá trị phát hành trái phiếu lãi suất cao trong 8 tháng năm 2020 ở Mỹ đạt mức 292 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019. Các trái phiếu này được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mua lại, để thực hiện chính sách cứu trợ chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tiền lương, chẳng hạn như chương trình Kurzarbeitergeld của Đức, và cho vay cũng có thể góp phần làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp “xác sống”, do chúng có thể giúp các công ty không sinh lời tiếp tục tồn tại, dù tình trạng của các công ty này giống như những bệnh nhân hôn mê chỉ sống được nhờ sự hỗ trợ từ máy móc.
Có thể nhìn thấy nguy cơ này ở số liệu thống kê các công ty phá sản ở các nước. Trái với dự báo của BIS rằng tổng số lượng công ty phá sản sẽ tăng 20-40% trong năm 2020 do tình hình kinh tế bi đát, một số nước lại giảm số lượng công ty phá sản so với cùng kỳ năm trước (tháng 8 Đức giảm gần 40%, Mỹ gần 30%).
Hơn nữa, ngay cả khi tình hình kinh tế tiến triển tốt hơn, các công ty chưa chắc có thể thoát khỏi kiếp nạn làm “xác sống”. Thậm chí, theo BIS, xác suất một công ty thành “xác sống” trở lại hiện nay là 17%, cao hơn nhiều so với mức năm 1995 là 5%. Ngay cả khi không lâm vào tình trạng đó, các công ty trên vẫn kém các công ty khỏe mạnh về mọi mặt, từ lợi nhuận, năng suất, đầu tư cho đến tạo việc làm.
Bài học trên cho thấy rằng, tuy các biện pháp cứu trợ doanh nghiệp trong thời Covid là cần thiết, nhưng Chính phủ cũng cần phải cânnhắc cụ thể để bảo đảm nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, không bị trì trệ bởi các công ty “xác sống”.