Cụ thể, số lượng tài khoản của NĐT đến cuối tháng 4 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong đó, số lượng tài khoản NĐT trong nước đạt hơn 7 triệu tài khoản, tăng trên 156% so với cuối năm 2020 và số lượng tài khoản NĐTNN đạt 43.465 tài khoản, tăng 24% so với cuối năm 2020.
Tính đến hết tháng 4-2023, TTCK ghi nhận sự tham gia của hơn 7 triệu tài khoản nhà đầu tư |
Về quy mô TTCK, tính đến hết tháng 4 mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416.000 tỷ đồng, tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022.
Thị trường có 758 CP, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 857 CP đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tương đương 20,9% GDP ước tính năm 2022. Có 449 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tương đương 19,3% GDP ước tính năm 2022.
UBCKNN đánh giá, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, thị trường tài chính, giúp huy động và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển TTCK và đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức ấn tượng: quy mô TTCK ngày càng được mở rộng, cấu trúc TTCK ngày càng hoàn thiện và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, TTCK quốc tế đang diễn biến khó lường, nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn. Những yếu tố bất lợi này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và TTCK trong nước. Do đó, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ để tiếp tục phát triển TTCK ổn định, lành mạnh và minh bạch.