Sau giai đoạn 'mua là thắng', chứng khoán đã không còn 'dễ chơi'

(ĐTTCO) - Với đà tăng khoảng 1,1% của VN Index kể từ đầu tháng, thị trường chứng khoán cũng đã trôi qua hơn một nửa tháng 5, thời điểm nhà đầu tư vốn lo sợ câu châm ngôn “bán tháng 5”.
Sau giai đoạn 'mua là thắng', chứng khoán đã không còn 'dễ chơi'

Song thực tế TTCK đang chiêu đãi không ít NĐT trong 3 tuần qua, và chính dòng vốn ngắn hạn mới đang giữ nhiệt trong giai đoạn thị trường ảm đạm này.

Tiền ít, đánh nhỏ

VN Index vẫn luôn được coi là chỉ báo đại diện toàn TTCK, nhưng không phải lúc nào cũng đại diện được cơ hội đầu tư. Trong giai đoạn thị trường đi ngang kéo dài suốt từ đầu năm 2023, tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu (CP) khác nhau “một trời một vực”, dẫn đến tình thế khó chịu với không ít NĐT.

Nếu trông vào diễn biến của chỉ số để dự đoán xu hướng và giao dịch thì tất cả đều lo lắng, vì VN Index không có sóng rõ ràng, thanh khoản lại nhỏ. Nếu trông vào CP thì những phiên chỉ số sụt giảm mạnh, sự hoảng loạn dễ tăng lên và giá đều bị ảnh hưởng, chưa kể nếu “đánh đu” các game làm giá có thể mắc kẹt.

Đối với đa số NĐT theo trường phái phân tích kỹ thuật, nhiều chỉ báo cũng phát đi tín hiệu về một thị trường vô hướng, hay không có quán tính kéo dài nhiều tháng nay. Đó không phải là một thị trường thuận lợi cho giao dịch và giới đầu tư thường hạn chế tham gia, một phần vì hệ thống tín hiệu kỹ thuật chỉ hoạt động tốt khi thị trường có xu hướng rõ ràng (tăng hoặc giảm), một phần vì xác suất chọn sai CP ở giai đoạn đi ngang như vậy rất cao.

Có thể thấy khá rõ ở mức thanh khoản đã sụt giảm rất nhiều kể từ khi VN Index đạt đỉnh cao nhất 5 tháng đầu năm 2023 hồi cuối tháng 1. Lý do một phần là dòng tiền tổng thể thiếu hụt, nhưng một phần do NĐT hạn chế giao dịch hoặc hạn chế sử dụng margin.

Diễn biến VN Index (màu xanh) và tỷ trọng trung bình tuần giá trị khớp lệnh rổ VN30 (màu cam) trong tổng giao dịch từ đầu năm 2022 đến nay. Các đợt giảm giao dịch ở nhóm VN30 thường báo trước khả năng sụt giảm ở chỉ số do thiếu động lực dẫn dắt hoặc quá trình tích lũy sớm ở nhóm này thường diễn ra trước khi chỉ số tạo đáy. Nguồn: HoSE.

Diễn biến VN Index (màu xanh) và tỷ trọng trung bình tuần giá trị khớp lệnh rổ VN30 (màu cam) trong tổng giao dịch từ đầu năm 2022 đến nay. Các đợt giảm giao dịch ở nhóm VN30 thường báo trước khả năng sụt giảm ở chỉ số do thiếu động lực dẫn dắt hoặc quá trình tích lũy sớm ở nhóm này thường diễn ra trước khi chỉ số tạo đáy. Nguồn: HoSE.

Tuy nhiên với TTCK Việt Nam tính đầu cơ rất cao, nên ngay cả trong giai đoạn đi ngang buồn tẻ, vẫn sẽ có những CP nổi sóng, thậm chí là sóng lớn. Từ đầu tháng 5 tới nay, dù VN Index chỉ đạt mức sinh lời không đáng kể (tăng 1,1%), vẫn có hơn 40 mã đạt lợi nhuận trên 10% và một nửa trong số này (21 CP) lãi trên 15%.

Dĩ nhiên chỉ một bộ phận NĐT kiếm được mức lợi nhuận mang tính thống kê nói trên, vì các giao dịch luôn không hoàn hảo: Hoặc NĐT bỏ lỡ giai đoạn tăng đầu tiên, hoặc chốt lời quá sớm quanh 10% và lỡ nhịp còn lại. Hơn 40 CP đạt lợi nhuận gấp 10 lần mức bình quân (đại diện là chỉ số VN Index) cũng chỉ tương đương khoảng 11% số mã trên sàn HoSE.

Mặt khác, phần lớn các CP có biên độ tăng lớn như vậy là các mã đầu cơ. Phần lớn số CP này (70%) có thị giá dưới 10.000 đồng. Nói cách khác, hoạt động đem lại lợi nhuận tốt nhất vừa qua là đầu cơ các CP nhỏ, thị giá thấp. Đó là chưa kể đến hơn một nửa (55%) chỉ có thanh khoản trung bình dưới mức 10 tỷ đồng/phiên.

Dù từ góc độ biến động, cứ giá tăng là tốt và NĐT nhìn thấy lãi. Tuy nhiên từ góc độ thị trường, CP thanh khoản quá nhỏ thường chỉ tập hợp được những NĐT nhỏ lẻ, còn các NĐT lớn không thể giao dịch được. Thí dụ CP có biên độ tăng giá mạnh nhất từ đầu tháng 5 tới nay là SMA, tới +39%, thì giao dịch trung bình chưa tới 84 triệu đồng/ngày. CIG tăng 32,3%, thanh khoản trung bình 1,5 tỷ đồng/ngày.

Dĩ nhiên cũng có một số mã tăng mạnh và thanh khoản tốt như EVG, PSH, FIT, DLG, FCN, VIX (tăng trên 15%), nhưng so với mức thanh khoản chung của thị trường vẫn rất nhỏ. Nói ngắn gọn, dù hoạt động đầu cơ gần đây có đem lại sự sôi động nhất định cho thị trường, đem lại lợi nhuận tích cực cho một nhóm NĐT, thì đó vẫn chỉ là “bữa ăn mùa giáp hạt”!

Tiền lớn chưa tạo sóng

Các NĐT cá nhân nhỏ lẻ thường dễ có được một hiệu suất đầu cơ cao hơn các NĐT lớn, tổ chức hay quỹ trong một số giai đoạn, chẳng hạn như tháng 5 này. Lý do không phải họ “giỏi” hơn các quỹ, mà là các NĐT cá nhân nhỏ lẻ dễ lựa chọn CP hơn và dễ chấp nhận rủi ro hơn, thậm chí là cực kỳ mạo hiểm sẵn sàng “đánh đu” với các game làm giá ở CP nhỏ.

Trong khi đó các tổ chức do quản lý tiền của người khác, nên bị ràng buộc bởi những quy định rõ ràng, cũng như tuân thủ các chiến lược mua bán, thí dụ hạn chế giao dịch ở thời điểm thị trường không có xu hướng. Mặt khác, các NĐT chuyên nghiệp coi trọng hoạt động đầu tư hiệu quả trong thời gian dài, hơn là thi thố lời lãi trong một phi vụ ngắn hạn.

Thống kê cho thấy, sự biến động trong thanh khoản của nhóm CP vốn hóa lớn - các mã thường được các NĐT chuyên nghiệp giao dịch, có ảnh hưởng nhiều đến xu hướng của thị trường đại diện là chỉ số VN Index.

Khi thanh khoản của nhóm này, thí dụ rổ VN30 xuống thấp, tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch hàng ngày, thì VN Index hầu như chỉ đi ngang hoặc giảm. Thí dụ tỷ trọng giao dịch trung bình của rổ VN30 từ đầu tháng 5 tới nay chỉ chiếm trung bình 30-32% tổng giá trị khớp lệnh của VN Index. Điều đó thể hiện sự giảm cường độ hoạt động của các dòng tiền lớn.

Đây là tín hiệu quan trọng, vì các xu hướng lớn của TTCK không thể tách rời hoạt động giải ngân của các tổ chức, NĐT lớn. Lý do có thể nhiều, nhưng quan điểm của các tổ chức thường liên quan đến yếu tố cơ bản hoặc chu kỳ tích lũy thận trọng.

Có thể thấy khá rõ ở mức thanh khoản đã sụt giảm rất nhiều kể từ khi VN Index đạt đỉnh cao nhất 5 tháng đầu năm 2023 hồi cuối tháng 1. Lý do một phần là dòng tiền tổng thể thiếu hụt, nhưng một phần do NĐT hạn chế giao dịch hoặc hạn chế sử dụng margin.

Các tin khác