Tuy nhiên, nhà kính phát triển nóng khiến cả phố núi “phủ kín” ni lông, môi trường bị ô nhiễm, người dân và du khách hứng chịu những trận ngập. “Bài toán” đưa nhà kính ra khỏi nội đô Đà Lạt đã được đặt ra, nhưng làm như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Mặt trái nhà kính
Nhà kính tại TP Đà Lạt phát triển rất nhanh nhưng không theo quy hoạch, người dân mạnh ai nấy làm không theo quy chuẩn. Từ đường Huỳnh Tấn Phát (phường 12), chúng tôi men theo con dốc nhỏ xuống khu vực chuyên trồng hoa cúc, lily. Càng đi sâu vào khu sản xuất trong nhà kính, bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, mùi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nước đọng dưới các khe suối nhỏ gây cảm giác nhức đầu.
Nhiều năm trồng hoa tại Đà Lạt, chị Lê Thị Huệ nhận thấy, nhà kính dựng lên làm mất đi lượng mùn tự nhiên tốt cho đất. Việc thâm canh cây trồng và sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học theo “thói quen” của nhiều người dân làm đất ngày càng cằn cỗi, giết chết hàng loạt hệ vi sinh và nấm có lợi cho đất.
Những vi sinh vật, nấm hại có thêm cơ hội sinh sôi tàn phá cây, làm nấm lá (nổ lá), vằn thân khiến cây yếu, cánh hoa yếu… “Cứ mỗi lần cây bệnh là mình lại bơm (thuốc BVTV - PV) nhiều hơn, tốn nhiều tiền hơn mà chưa chắc cây hết bệnh. Cảm giác như cây sống trên thuốc với trên phân, chứ không sống trên đất. Mùa sau là phải phân, thuốc nhiều hơn mùa trước”, chị Huệ nói.
TP Đà Lạt vào mùa mưa, nước từ mái những dãy nhà kính đua nhau đổ dồn về những khe suối nhỏ. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, chỉ số thẩm thấu nước tại những khu vực có nhà kính gần như bằng 0, phần lớn nhà kính hiện chỉ có chức năng “che mưa”, không có hệ thống gom nước tập trung. Khẳng định trên có căn cứ, bởi nước chỉ rơi xuống bề mặt nhà kính rồi chảy ra khe suối đổ về khu vực thấp trũng. Dễ nhận thấy nhất là nước đổ về trung tâm TP Đà Lạt cùng với các yếu tố khác, gây ngập khu vực đô thị.
Theo TS Nguyễn Trần Hương Giang, Phó trưởng Khoa Hóa học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt, phát triển nhà kính và nhà lưới có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Việc bao phủ diện tích đất lớn bằng nhà kính và nhà lưới làm giảm diện tích đất thấm nước, dẫn đến lượng nước ngầm suy giảm và dòng chảy mặt tăng lên. Dòng chảy mặt lớn gây xói mòn đất đai, lũ quét, ngập úng cục bộ, và gây bồi lắng tại các ao, hồ, sông, và suối.
“Tập trung nhiều nhà kính và nhà lưới góp phần tăng đáng kể nhiệt độ không khí. Xây dựng nhà kính và nhà lưới thiếu kiểm soát làm phá vỡ cảnh quan đô thị. Quá trình sản xuất nông nghiệp gây ra ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến chất lượng đất và phát sinh chất thải rắn do sử dụng thuốc BVTV, phân bón và thải bỏ phế phẩm nông nghiệp.
Sau thời gian sử dụng, nhà kính và nhà lưới trở thành chất thải, tạo gánh nặng cho công tác quản lý môi trường. Tuy vậy, để định lượng những tác động nói trên của nhà kính và nhà lưới tại Đà Lạt, cần thực hiện các đánh giá tác động môi trường”, TS Nguyễn Trần Hương Giang phân tích.
Sẽ không còn nhà kính ở trung tâm
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, vừa qua UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng phương án kỹ thuật.
Theo lộ trình được phê duyệt, vùng nội đô TP Đà Lạt gồm các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 phải giảm diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ 5%, 10% và 20% lần lượt trong năm 2023, 2024 và 2025. Đến năm 2030, tỷ lệ này phải xuống 0%. Ngành chức năng sẽ tập trung vận động người dân Đà Lạt chuyển dần diện tích sản xuất nông nghiệp nhà kính sang phát triển các vùng nông nghiệp đô thị, cảnh quan, sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.
Quyết định “Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký, bên cạnh những chính sách hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà kính cũ thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần 70% chi phí mua cây giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để chuyển đổi từ sản xuất trong nhà kính sang sản xuất ngoài trời.
Ông Nguyễn Văn Long, một người dân ngụ phường 8, TP Đà Lạt, cho biết: “Việc chuyển đổi cây trồng trong thời gian ngắn rất khó, vì các cây trồng trong nhà kính đang là sinh kế trực tiếp, thậm chí là duy nhất của người dân. Mỗi sào trồng hoa cúc có thể thu về 120 triệu đồng/3 vụ, hoặc 60 triệu đồng/năm đối với rau ngắn ngày. Người dân đã quen với kiểu canh tác trên, nguồn thu gối đầu liên tục, giờ chuyển qua đa mục đích khó có thể trụ được”.
Còn theo ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt, ưu điểm vượt trội của sản xuất trong nhà kính là sự ổn định. Thị trường tiêu thụ nông sản từ lâu luôn yêu cầu cao về nguồn cung liên tục, số lượng lớn như các loại rau, củ sản xuất trong nhà kính. Tháo nhà kính khu trung tâm để trồng những loại cây thị trường không có nhu cầu cao thì sẽ rất khó cho người dân.
Nếu hỗ trợ từ đất nhà kính qua du lịch nông nghiệp thì gặp nhiều khó khăn về chính sách, cơ chế như xây nhà vệ sinh, nhà chờ, nhà hướng dẫn, bãi đậu xe… vì đây là đất nông nghiệp. Cần có cơ chế đặc thù, như biến những khu vực sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm du lịch canh nông một cách thông thoáng hơn. Việc này cần nhà nước hỗ trợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp và du lịch là 2 thế mạnh của Đà Lạt. Nếu phá bỏ hệ thống nhà kính, nông nghiệp trồng rau, trái, hoa sẽ khó khăn. Trước hết sẽ tác động đến thu nhập của người dân, nguồn rau trái, hoa xuất khẩu sẽ bị đứt gãy, không đủ nguồn cung cho các tỉnh thành, nhất là TPHCM (chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ).
Các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho hàng triệu khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm cũng sẽ bị ảnh hưởng và chắc chắn lượng khách du lịch sẽ giảm. Trong khi đó, nông dân rất khó quay lại trồng cây trái, hoa theo kiểu truyền thống vì năng suất thấp.
Theo TS Nguyễn Trần Hương Giang, việc đưa ra quyết định về duy trì hay loại bỏ nhà kính và nhà lưới đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan. Chúng ta cần bảo vệ môi trường nhưng đồng thời đảm bảo được các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhằm hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện điều này, cần áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp.
Sản xuất nông nghiệp cần mở rộng sang các mô hình canh tác công nghệ cao ở ngoài trời, hoặc bán nhà kính thân thiện hơn với môi trường; phát triển các giống cây mới hiệu quả khi trồng ngoài trời; thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được trồng trọt theo cách an toàn cho môi trường. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp trong nhà kính và nhà lưới cần được thu hẹp với tỷ lệ hợp lý ở các vùng canh tác và có lộ trình phù hợp.
"Quá trình xây dựng nhà kính và nhà lưới cần thiết phải có các tiêu chuẩn, quy hoạch và được quản lý chặt chẽ. Tại các khu vực sử dụng nhà kính và nhà lưới, cần thực hiện các biện pháp khắc phục và giảm thiểu tác động đến môi trường”, TS Nguyễn Trần Hương Giang cho biết.
TS. PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:
Tùy theo loại cây trồng, các cây không mẫn cảm với thời tiết nhiều thì không nhất thiết đều đưa vào trồng trong nhà kính. Khuyến khích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, song không trồng trong nhà kính như: atiso, rau gia vị, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu cove, hành tây, cây cảnh, cây dược liệu quý, cây ăn quả, cây cherry, phúc bồn tử, cây chanh dây... Tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo tập trung nghiên cứu, nhập nội giống cây trồng mới có thể thích ứng canh tác ngoài trời có hiệu quả cao và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Kiến trúc sư NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:
TP Đà Lạt bị mưa ngập là do hệ thống thoát nước không đảm bảo. Nguyên nhân chính là do trong quy hoạch phát triển đô thị chưa tính toán được lượng nước thoát như thế nào khiến cho nước chảy trên bề mặt dồn về một số khu vực gây ngập. Như phía thượng nguồn vốn ít nhà bê tông, nhưng mật độ nhà kính dày đặc không khác gì khu trung tâm, nước cũng chỉ thoát trên bề mặt thông qua các khe suối nhỏ. Đà Lạt cần có hệ thống tiêu thoát nước cho từng khu vực cụ thể. Phân nước khu vực nào chảy thoát ở khu vực đó, kể cả khu sản xuất nông nghiệp.