Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ
Tại ven biển quận Sơn Trà, nhiều ngư dân đã được tạo điều kiện để xuống biển thu dọn ngư lưới cụ, giằng néo thuyền thúng.
Nghe đài thông báo bão đến, ông Nguyễn Trường Sơn (SN 1971, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) gọi xe cẩu để đưa thúng lên bờ tránh thiệt hại.
Ngư dân Nguyễn Trường Sơn đang thu gọn lưới đánh cá
“Mừng lắm! Chúng tôi được địa phương cấp giấy đi đường để 2 ngày ra tát nước trên thuyền một lần. Nay thì tranh thủ thu gọn lưới, căng bạt để che tránh nước mưa vào", ông Sơn cho biết.
Lực lượng chức năng phường Thọ Quang đang hỗ trợ ngư dân
Bên cạnh đó, hàng chục dân phòng, dân quân tự vệ được triển khai từ sáng sớm để hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng lên sát mặt đường. Vùng biển này có hàng trăm thuyền thúng lớn nhỏ neo đậu cùng rất nhiều lồng bè của ngư dân. Một số thuyền thúng lớn đang neo đậu ngoài biển được kêu gọi vào cầu cảng của Trạm biên phòng K15 (Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) dưới chân núi Sơn Trà để tránh trú bão.
Theo anh Phạm Tuấn Anh (SN 1980, phường Mân Thái, quận Sơn Trà), “hôm nay chỉ có 3 xe đang cẩu cho mọi người, gồm 2 xe lớn, 1 xe nhỏ nhưng vẫn không đủ vì số lượng thúng, ghe cần mang lên bờ rất lớn, 3 tiếng đồng hồ mà số thuyền thúng mới vơi 1/3".
Một xe cẩu lớn chở được 3 thuyền
Cách đó không xa, cũng được chính quyền cho phép ra biển đưa thuyền thúng vào bờ neo đậu, tuy nhiên, ông Lê Phận (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đành sử dụng dây thừng buộc thuyền vào bờ kè do không có tiền thuê máy cẩu lên bờ. Theo ông Phận, nhà có 9 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề biển, nhưng cả tháng nay không ra khơi nên rất khó khăn.
Không có tiền để cẩu phương tiện, một số ngư dân cột cố định ở khu vực gần bờ
“Nghề biển nên làm làm đến đâu ăn đến đó. Chính quyền địa phương có hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhưng thời gian giãn cách lại dài, nhà tôi đông người, khó chồng khó. Không đi biển được nên giờ chẳng có tiền để thuê máy cẩu thuyền vào bờ, đành buộc vào kè chắn sóng này thôi”, ông Phận chia sẻ.
Nhà hàng tiến hành tháo dỡ biển để nơi an toàn
Ở các nhà hàng ven biển đường Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), nhân viên đang canh trực “3 tại chỗ” tận dụng bao cát và nhiều thanh gỗ để chèn cửa nẻo vào sảnh chính khách sạn, tháo dỡ các tấm biển hiệu và để ở nơi an toàn để tránh hư hỏng.
Theo ông Nguyễn Chiến (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), ông và đứa cháu trai tận dụng vật dụng dây thép, bao gạo, bình nước đã sử dụng để buộc các cánh cửa, gia cố mái nhà. Tuy vậy, theo ông Chiến, TP Đà Nẵng đang trong thời điểm cách ly xã hội, nhiều người dân khó tìm địa điểm để mua những vật dụng chằn chống nhà cửa.
“Mấy năm trước tôi mua những bình nhựa dung tích lớn này ở chợ, dây thừng, bao gạo... đều ở chợ truyền thống, nay thì khó rồi, người dân được đi lại nhưng mấy gian hàng đó lại không mở”, ông Chiến nói.
Người dân cột bình nước để chằng mái nhà
Theo ông Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy Sơn Trà, địa phương đang tạo điều kiện cho người dân chống bão theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng tại cuộc họp tối 9-9.
Ông Lợi cho hay, năm nào ngư dân cũng phải phòng chống bão nên địa phương đã có sự chủ động hỗ trợ với phương châm “4 tại chỗ”, nỗ lực bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp. Hiện quận Sơn Trà có đến 6 phường là vùng xanh nên công tác phòng, chống bão của người dân có phần thuận lợi hơn những địa phương khác.
Tại cuộc họp rà soát công tác triển khai ứng phó bão Conson, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các quận, huyện hết sức chủ động lên các phương án phòng, chống đã được phê duyệt để di dân đến những vùng đảm bảo an toàn. Quan điểm vừa phòng, chống bão nhưng cũng phòng, chống dịch. Chú trọng khu vực sẽ ảnh hưởng như: cảng biển Tiên Sa, âu thuyền Thọ Quang, các quận ven biển vùng có nguy cơ sạt lở, hồ đập. Đối với vùng đỏ (vùng nguy cơ), các lực lượng chức năng khảo sát, hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình cần chèn chống nhà cửa, gia cố. Quá trình giúp đỡ, các thành viên đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Gia cố công trình giao thông tuyến đường Ngô Quyền
Trước và sau thời điểm bão 6 tiếng, các lực lượng trong TP Đà Nẵng không trực chốt mà di chuyển đến nơi an toàn. Đối với các chốt cửa ngõ ra vào TP Đà Nẵng, lực lượng địa phương chủ động mượn container, xe buýt cỡ lớn để nơi trú ẩn khi bão đến. Cấp phép cho công ty cây xanh, thoát nước, người lao động công ty xây dựng,... để tiến hành củng cố công trình, cây xanh,...
“Khả năng bão đi vào khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng hoặc chệch hướng Bắc Hải Vân, TP Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy vậy, chúng ta vẫn nằm trong những ngày nguy cơ, nếu không phòng dịch thì có thể bùng phát bất cứ lúc nào”, ông Minh nói.