Đại gia bán lẻ nội lao đao trước đối thủ ngoại

Bước sang năm 2013, sức mua trên thị trường bán lẻ sụt giảm, nhiều khó khăn và thách thức tiếp tục chờ đợi các doanh nghiệp phía trước, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng.

Bước sang năm 2013, sức mua trên thị trường bán lẻ sụt giảm, nhiều khó khăn và thách thức tiếp tục chờ đợi các doanh nghiệp phía trước, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) tỏ ra lo lắng trước việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở thêm nhiều địa điểm bán lẻ mới trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang lúng túng tìm lối thoát ngay trên “sân nhà" trong cuộc chiến giành lấy thị phần.

- Năm 2013 vẫn được giới chuyên gia nhận định là một năm khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ. Cùng với đó, nhiều trung tâm thương mại, đại siêu thị của các "đại gia" trong ngành bán lẻ. Đại diện cho phía doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bà Vũ Thị Hậu: - Năm nay vẫn là một năm được nhận định là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Không chỉ riêng Fivimart chúng tôi mà rất nhiều hệ thống siêu thị trong nước khác cũng đã nỗ lực đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi nhưng vẫn không kích thích được sức mua của người dân, doanh số bán hàng nhiều siêu thị chỉ bằng năm ngoái hoặc thấp hơn.

 Một trong những khó khăn nữa là ngành phân phối bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới ra đời khoảng chục năm nay nên phát triển còn sơ khai, trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đồng thời mở rộng các trung tâm thương mại hiện đại, các đại siêu thị, cửa hàng tiện ích… thực sự phù hợp và làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã “yếu thế hơn” nay càng phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng với nguy cơ bị thâu tóm.

- Trước những thách thức như vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, chuyển hướng kinh doanh, mở rộng thị trường nhằm phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc. Về phía Fivimart đã có thay đổi gì để phù hợp với bối cảnh hiện tại?

- Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam và lớn mạnh hơn chúng ta rất nhiều, sang năm 2013 sẽ còn vào nhiều hơn nữa. Vì vậy mỗi doanh nghiệp bán lẻ cần có một chiến lược riêng. Để có được chỗ đứng vững chắc trong thời buổi khó khăn, các siêu thị cần tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị phần, đồng thời liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có chiến lược đưa hàng hóa ra thị trường một cách hợp lý, giá cả cạnh tranh nhất.

 Kế hoạch dự kiến trong năm 2013 của Fivimart là sẽ đưa vào sử dụng 5 siêu thị tại các vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Hiện tại, người tiêu dùng đang được hưởng lợi rất nhiều từ việc kênh bán lẻ hiện đại phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thì các doanh nghiệp chúng tôi đều phải “gồng mình” để cố gắng làm thế nào giữ chân được khách hàng.

Thời gian qua, hệ thống Fivimart đã có nhiều chương trình khuyến mại cho khách và nghĩ ra nhiều chương trình tri ân khách hàng. Cùng với đó, chúng tôi còn tập trung vào việc tạo dựng một đội ngũ cán bộ yêu nghề, có trình độ quản lý tốt và cùng nhau hoạch định ra những chiến lược từ đó liên kết với các nhà sản xuất để tung ra thị trường các mặt hàng mang nhãn hàng riêng của siêu thị.

- Mặc dù nhiều khó khăn của doanh nghiệp ngành bán lẻ vẫn được đem ra mổ xẻ nhưng nổi lên nhất vẫn là chuyện mặt bằng, nhân lực. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Trong kinh doanh, vị trí đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, ở nhiều địa phương, những vị trí đẹp lại đang thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài, các địa phương hiện đang "trải thảm đỏ" để thu hút các doanh nghiệp FDI, vừa được tiếng là có thành tích trong thu hút đầu tư lại thu được tiền ngay.

 Trong khi đó, nếu để các doanh nghiệp trong nước đầu tư thì địa phương sẽ chậm thu được vốn. Chính sách đất đai có thể coi là sự sống còn với doanh nghiệp trong nước. Vốn doanh nghiệp có thể tự dàn xếp được, còn mặt bằng phải có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, cần hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp ở tất cả các tỉnh thành và phải là vị trí đắc địa.

 Chỉ cần giải được bài toán mặt bằng thì chỉ 5-7 năm nữa các doanh nghiệp trong nước có thể thay đổi được cục diện trên thị trường bán lẻ. Nếu doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và họ lại được ưu tiên về mặt bằng tại các trung tâm thì doanh nghiệp trong nước không thể nào sống nổi. Vì doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu nhiều và đương nhiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh được.

 Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nghiệp vụ, chuyên môn, đa phần các doanh nghiệp trong nước không thực sự quan tâm nhiều tới các yếu tố quảng bá, trưng bày sản phẩm trong khi các doanh nghiệp nước ngoài làm điều này rất bài bản. Không chỉ có vấn đề mặt bằng, ngay cả vấn đề nguồn nhân lực hiện cũng đang là vấn đề “nóng” của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo tôi, nhân sự là vấn đề nổi cộm của Fivimart. Gần như Fivimart là cái nôi đào tạo nhân lực cho các hệ thống khác.

 Fivimart có hơn 1.000 nhân viên, nếu chỉ cần tăng lương 100.000 đồng/người/tháng thì mỗi tháng, quỹ lương đội thêm 100 triệu đồng, doanh nghiệp lại không biết lấy gì để bù. Tuy nhiên, vấn đề là sau khi được đào tạo, lẽ ra các lao động này phải làm việc cho Fivimart thì họ lại sẵn sàng “nhảy” sang doanh nghiệp bán lẻ khác nếu được trả lương cao hơn. Trong khi đó, nếu tăng lương cho lao động, phần phụ trội có thể được tính vào giá hàng hoá sẽ làm ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Để ngành bán lẻ nói chung cũng như hệ thống siêu thị Fivimart nói riêng phát triển bền vững trước những cạnh tranh khốc liệt, bà có kiến nghị gì?

- Thời gian qua, chúng tôi đã rất nỗ lực mở rộng mạng lưới và đang phát triển các chi nhánh của mình. Tuy nhiên, dù có mở rộng mạng lưới nhưng việc cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài hiện rất khó bởi họ có nhiều “hàng lạ” mà ở Việt Nam không có, trong khi người tiêu dùng lại thích “của lạ”, sính đồ ngoại...

Đây cũng một phần là tâm lý của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược đầu tư riêng nên giá cả cạnh tranh hơn chúng tôi, họ sẵn sàng lỗ 5-7 năm để đưa ra giá cạnh tranh, nắm giữ thị trường.

 Theo tôi, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không chỉ có điểm yếu về tài chính mà nhiều vấn đề khác như con người, độ chuyên nghiệp, công nghệ... chúng ta vẫn đang thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, tự hoàn thiện mình là điều mà các doanh nghiệp trong nước cần làm lúc này.

Tuy nhiên, khách quan mà nói các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó để lên “vũ đài” thi đấu tay đôi với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp trong nước đang rất cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước về các chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, Fivimart chúng tôi kiến nghị cần có sự thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong việc quy hoạch mạng lưới. Các địa phương nên quy hoạch rõ cần bao nhiêu siêu thị, khoảng cách giữa các siêu thị như thế nào...

Quy hoạch rõ loại hình kinh doanh và quy mô kinh doanh. Chính vì vậy, sự trợ giúp của cơ quan chức năng là rất cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Các tin khác