Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển hướng sang đầu tư các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội hay tìm cách giải tỏa áp lực về vốn bằng cách hạ giá bán, không ít “đại gia” BĐS lại chật vật với muôn vàn khó khăn do quy mô dự án cồng kềnh, tốn kém, xoay đường nào cũng vướng.
Thuyền to gió lớn
Dù trong báo cáo của Bộ Xây dựng và kết quả kinh doanh năm 2013 của doanh nghiệp BĐS và liên quan đến BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp lãi vẫn áp đảo, nhưng không khó để thấy rằng 2012 là một năm đen tối đối với các “đại gia” BĐS.
Điều này sẽ còn bi kịch hơn nếu không kịp thời gượng dậy được trong năm 2013. Vinaconex là doanh nghiệp phải kể đến đầu tiên trong danh sách này về sự tuột dốc thấy rõ. Là một trong những doanh nghiệp BĐS danh tiếng và lớn mạnh bậc nhất, tập đoàn này đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn là đối tác phát triển những dự án BĐS có quy mô lớn.
Tuy nhiên, kết quả đổi lại, Vinaconex đang phải gồng mình gánh trên lưng một khoản nợ lớn. Theo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2012 đã hợp nhất, tính tới cuối năm 2012, tổng nợ của Vinaconex lên tới trên 22.000 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới gần 15.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia cũng là “đại gia” chịu nhiều trái đắng khi lấn sân sang đầu tư BĐS, khi thành viên thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh BĐS là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 1.100 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng được xếp vào diện sa cơ khi lỗ tới 440 tỷ đồng. Và thê thảm kéo dài nhất có lẽ phải kể đến CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Tiếp tục lỗ khủng trong năm 2012 với mức 300 tỷ đồng, Sudico đang bị bủa vây với muôn ngàn khó khăn và nếu năm 2013 doanh nghiệp này không vực dậy được, nguy cơ bị hủy niêm yết do khả năng 3 năm lỗ liên tiếp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong năm 2013, Sudico phải đối mặt với khoản nợ khoảng 900 tỷ đồng. Trước đó, trong báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp lớn như HUD, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng CTCP Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng số 1… cũng đều không đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012.
Lối thoát ở đâu?
Có thể dễ dàng thấy rằng 2013 vẫn chưa phải là một năm tươi sáng đối với các “đại gia” BĐS, bởi hiện nay vấn đề vướng nhất mà các doanh nghiệp này đang mắc phải cũng chính là vấn đề thị trường chưa có lối thoát: vốn đọng vì hàng tồn kho quá lớn.
Tính tới cuối năm 2012, hàng tồn kho của Vinaconex vẫn còn gần 7.500 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản. Kinh Bắc tồn kho đến 7.053,8 tỷ đồng. Sudico sau khi mắc kẹt với dự án khu đô thị Hòa Hải (Đà Nẵng) và quá nhiều tiếng xấu tại dự án Usilk City, hiện nay chỉ còn trông chờ vào khu đô thị Nam An Khánh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, làm sao có được nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng để thoát hiểm dường như đang nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp này.
PVC lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2012. |
Đặc biệt, khó sẽ càng thêm khó khi trong năm 2013, mọi sự tập trung chú ý của các cơ quan chức năng đều dồn cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân. Chính vì vậy, tự cứu mình bằng “trăm phương ngàn kế” từ thoái vốn, chuyển nhượng dự án, hạ giá… là biện pháp duy nhất của các doanh nghiệp trên. Khôn ngoan chịu đau để giải thoát trước nhất phải kể đến Vinaconex.
Từ nửa sau năm 2012, doanh nghiệp này đã ồ ạt thoái vốn khi bán cổ phần tại dự án Park City; thoái vốn tại một loạt công ty con như Vinaconex 6, Vinaconex 3 và mới đây nhất là ý định chuyển nhượng phần vốn góp (50%) tại Liên doanh Phát triển đô thị mới An Khánh Splendora, thoái vốn tại “vũng lầy” Xi măng Cẩm Phả.
Tập đoàn Dầu khí cũng rút lui khỏi dự án đình đám Tháp Dầu khí và chủ trương dần rút vốn khỏi BĐS. Một số doanh nghiệp thành viên của PVC cũng đang vẫy vùng tìm cách vượt thoát khó khăn bằng cách chuyển nhượng lại dự án. Sudico hiện đang đẩy mạnh việc tìm đối tác để chuyển nhượng dự án Hòa Hải và tìm phương án kinh doanh hợp lý nhất đối với dự án Nam An Khánh.
Trên thực tế, kịch bản tốt nhất cho các “đại gia” là chuyển nhượng được dự án, thị trường ấm lên để có thể bán hàng được và ngân hàng tiếp tục nương tay.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kịch bản này rất khó thực hiện. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, lực mua trên thị trường rất yếu, cả với những đối tượng đầu cơ lẫn người có nhu cầu mua nhà ở thực. Bên cạnh đó, với các khoản nợ khổng lồ đang phải gánh, cũng khó để các ngân hàng có thể rộng cửa cho vay.
Tìm đối tác để chuyển nhượng các dự án đang sa lầy hẳn nhiên cũng không phải là một công việc dễ dàng. Dù vậy, cửa chưa phải là khép hoàn toàn khi với những động thái tích cực về mặt chính sách gần đây, cơ hội để các doanh nghiệp bán hàng sẽ được mở ra.
Vấn đề là các doanh nghiệp này có đủ tiềm lực để bẻ lái con tàu đang “mắc cạn” hướng về phía nguồn cầu lớn nhất, thậm chí chấp nhận bán lỗ hoặc hòa vốn và có đủ khả năng tài chính để hoàn thiện hạ tầng, hoàn thiện dự án như yêu cầu khắt khe của người mua hiện nay hay không?