Dân Ấn Độ ồ ạt bán vàng để cầm cự với Covid

(ĐTTCO) - Covid đã khiến hàng triệu người ở Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo hoặc phá sản. Nhiều người ở nước này đã phải tìm đến giải pháp cuối cùng là bán nữ trang vàng để có tiền sinh hoạt...

Một tiệm thu mua trang sức vàng cũ ở Mumbai, tháng 11/2020 - Ảnh: Bloomberg.
Một tiệm thu mua trang sức vàng cũ ở Mumbai, tháng 11/2020 - Ảnh: Bloomberg.

Paul Fernades, 50 tuổi, làm nghề bồi bàn, là một trong những người bị Covid làm cho khánh kiệt ở Ấn Độ. Đại dịch đã khiến ông mất đi công việc phục vụ trên một con tàu du lịch.

Sau khi vừa rơi vào cảnh thất nghiệp năm 2020, Fernades đem số trang sức vàng mà ông có đi cầm cố để vay tiền trả học phí cho con. Năm nay, ông tìm cách kinh doanh tại nhà và tìm một công việc khác, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, ông quyết định bán dần trang sức để trang trải cuộc sống.

“Vay cầm cố trang sức là lần cuối cùng tôi đi vay”, Fernades nói trong cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg tại Goa, bang ven biển quê nhà của ông. “Bán trang sức đồng nghĩa tôi sẽ không phải lo trả nợ cả gốc và lãi”.

Theo Bloomberg, Covid đã khiến hàng triệu người ở Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo hoặc phá sản. Nhiều người ở nước này đã phải tìm đến giải pháp cuối cùng là bán nữ trang vàng để có tiền sinh hoạt.

Ở nông thôn Ấn Độ, khu vực vốn thường mua nhiều vàng nhất ở nước này, làn sóng Covid-19 khủng khiếp mấy tháng qua đã để lại hậu quả thảm khốc trong nền kinh tế và thu nhập của người dân. Không có nhiều ngân hàng trong vùng, người dân nông thôn Ấn Độ thường dựa vào vàng ở những thời điểm cần thiết như thế này vì vàng có tính thanh khoản cao.

Căng thẳng tài chính mà làn sóng Covid thứ hai gây ra cho người dân Ấn Độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên trong năm ngoái, nên có khả năng dẫn tới việc bán vàng ồ ạt hơn. Năm ngoái, người Ấn Độ thường vay cầm cố nữ trang vàng – theo nhà tư vấn Chirag Seth thuộc công ty Metals Focus có trụ sở ở London.

Nguồn cung vàng vụn ở Ấn Độ, trong đó có những món nữ trang cũ sẽ được đem nấu chảy để thiết kế lại, có thể vượt 215 tấn và đạt mức cao nhất 9 năm nếu xuất hiện một làn sóng Covid thứ ba, theo ông Seth.

“Năm ngoái, bạn đã gặp vấn đề tài chính và bạn vượt qua bằng cách vay cầm cố vàng. Năm nay, bạn là gặp rắc rối tài chính, và có nguy cơ xuất hiện một làn sóng dịch bệnh tiếp theo, đồng nghĩa với lại có phong toả và mất việc làm. Người dân có thể ồ ạt bán vàng trong tháng 8 và tháng 9 nếu một làn sóng thứ ba thực sự xuất hiện”.

Nhiều người Ấn Độ thoát nghèo trước đại dịch giờ đây lại tụt dưới ngưỡng nghèo vì triển vọng công việc u ám và những đợt phong toả bóp nghẹt nền kinh tế. Một số khảo sát cho thấy hơn 200 triệu người ở nước này đã rơi trở lại mức thu nhập thấp hơn lương tối thiểu là 5 USD/ngày.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự kiệt quệ tài chính của người tiêu dùng Ấn Độ, Manappuram Finance, một trong những công ty cho vay cấm cố vàng lớn nhất ở Ấn Độ, đã tiến hành bán đấu giá số vàng trị giá 4,04 tỷ Rupee, tương đương 54 triệu USD, trong 3 tháng đầu năm nay. Đây là số vàng cầm cố của những người vay – thường là những người kiếm sống từng ngày, chủ doanh nghiệp nhỏ và nông dân – không thể thanh toán khoản vay khi đến hạn.

Trong suốt 9 tháng trước đó, Manappuram chỉ phải bán đấu giá số vàng 80 triệu Rupee.

Ở miền Nam Ấn Độ, lượng nữ trang vàng mà người dân mang tới các tiệm trang sức để bán hiện cao hơn 25% so với bình thường – theo ông James Jose, Giám đốc công ty tinh luyện vàng CGR Metalloys.

“Sau thời gian phong toả, các tiệm vàng mở cửa trở lại và bạn có thể chứng kiến hai đối tượng khách hàng: một đến mua trang sức vàng cho mùa cưới, một đến bán trang sức để lấy tiền mặt”, ông Jose cho hay.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, người dân Ấn Độ mua ít vàng hơn do nền kinh tế yếu đi và đại dịch Covid khiến sức mua suy giảm. Năm 2020, lượng vàng tiêu thụ ở nước này giảm hơn 1/3, còn 446,4 tấn, thấp nhất kể từ năm 1994 – theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Năm nay, nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể tăng 40% so với năm ngoái, nhờ giá vàng giảm và khoảng 50 tấn nữ trang cưới bị hoãn mua từ năm ngoái – theo ông Seth. “Nhưng một làn sóng Covid thứ ba vẫn là rủi ro lớn nhất đối với dự báo này”, ông nhấn mạnh.

Các tin khác