Tuy nhiên, hiện nay chính quyền TP cũng như các doanh nghiệp bất động sản đang gặp không ít thách thức khi thực hiện mục tiêu này.
5 năm, dân số “nở thêm” xấp xỉ 2 quận
Cụ thể, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người và 22,8m2/người vào năm 2025; tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 và đạt 45 triệu m2 sàn vào giai đoạn 2021-2025.
Theo kết quả điều tra dân số tại thời điểm ngày 1-4-2019, TPHCM có 8.993.082 người thường trú, kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng. So với năm 2009 là 7.162.864 người, thì dân số thành phố đã tăng 1.830.218 người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây (kết quả điều tra dân số không bao gồm người tạm trú ngắn hạn và vãng lai).
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, số dân thực sự lưu trú lâu dài, làm ăn tại TPHCM hiện nay hơn 10 triệu người. Hiện dân số TP cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người. Con số này xấp xỉ với số dân của 2 quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, như quận Gò Vấp với 665.000 dân, quận 12 có 528.170 dân, huyện Bình Chánh 680.000 dân… Ngoài ra, còn có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại TP.
Dân số tăng, áp lực về nhà ở và hàng loạt vấn đề khác cho người dân là những thách thức đối với chính quyền TP. Tại phường Tân Thới Nhất (quận 12), những năm gần đây dân nhập cư tăng lên nhanh chóng. Toàn phường hiện được quy hoạch gần 40 block chung cư, dân nhập cư về phường thông qua các dự án này.
Chỉ riêng hai chung cư Thuận Kiều và Tín Phong (đường Phan Văn Hớn) vừa đưa vào sử dụng trong năm 2019 đã có hơn 3.000 gia đình về ở, trường lớp quá tải nên học sinh phải học tạm, học ghép tại các điểm trường. Hàng ngàn gia đình công nhân, người lao động chưa có nhà phải sinh sống tạm bợ trong những phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi sinh hoạt.
Lời giải nào?
Để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, TPHCM đề ra quyết tâm xây khoảng 10.000 căn nhà cho người thu nhập thấp, 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân và 6.750 cho sinh viên.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết từ đầu năm đến nay, toàn TP đã cấp được hơn 21.000 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích hơn 7 triệu m2 sàn xây dựng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, TP phát triển thêm 35,27 triệu m2 nhà ở được xây mới, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,91m2; ước lũy kế đến hết năm 2019, toàn TP phát triển thêm 38,27 triệu m2 nhà ở, nâng diện tích bình quân đầu người đạt 20.03m2/người; ước lũy kế đến cuối năm 2020, toàn TP phát triển thêm 44,48 triệu m2, đạt tỷ lệ 112% so với chỉ tiêu đề ra, bình quân là 20,30m2/người.
Như vậy, nếu so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đề ra, thì kế hoạch xem như TP đã đạt được. Nhưng với thực tiễn dân số tăng thêm hàng năm, thật sự là bài toán hóc búa.
Trong khi đó, công tác phát triển các dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp đầu tư hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục chồng chéo. Công tác phát triển nhà ở xã hội, việc mời gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu sử dụng quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại dành cho nhà ở xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, khi thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án theo Luật Đấu thầu thì không có hạng mục nhà ở xã hội. Hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng bị vướng không triển khai được. Bên cạnh đó, chương trình kiên cố hóa nhà ở cho người dân cũng gặp nhiều thách thức.
Theo thống kê, nhà kiên cố chiếm 37,6% tổng số nhà ở, nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1% tổng số nhà ở. Đáng lưu ý là loại nhà bán kiên cố phát triển nhiều nhất trong giai đoạn 2000-2009, tăng 478.000 căn, chiếm 85% trong tổng số nhà xây mới, chủ yếu là do người dân tự xây dựng và cũng có phần do thực hiện chủ trương phân lô hộ lẻ trong giai đoạn này.
TPHCM cần hướng đến xu thế phát triển “đô thị thẳng đứng” để sử dụng quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả. ẢNH: CAO THĂNG
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, TP cần hướng đến xu thế phát triển “đô thị nén” (đô thị thẳng đứng) để sử dụng quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả, dành được nhiều không gian công cộng trên mặt đất cho giao thông, cây xanh, tiện ích, dịch vụ và khai thác không gian ngầm đô thị.
Hiện nay, cấu trúc gia đình - xã hội đang có sự thay đổi rất lớn, do ngày càng nhiều hộ gia đình hạt nhân chỉ có hai thế hệ, làm gia tăng nhu cầu căn hộ vừa và nhỏ (từ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng 2 tỷ đồng trở lại, giá cho thuê trên dưới 5 triệu đồng/tháng), do đó cần phát triển căn hộ nhỏ.
Bên cạnh đó là việc phát triển khu dân cư vệ tinh ở các quận huyện vùng ven; phát triển hệ thống giao thông kết nối tốt với trung tâm TP; hình thành các dịch vụ tiện ích để thu hút người dân về đây sinh sống. Xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, nhằm giải quyết bài toán nhà ở, đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm tại TPHCM; tháo gỡ những vướng mắc hiện nay để các dự án nhà ở đẩy nhanh tiến độ.