Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.
Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.
Cuộc Tổng điều tra quy mô lớn nhất
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra quy mô lớn nhất (tổng số gần 12.000 Ban chỉ đạo Tổng điều tra với trên 78.000 thành viên từ Trung ương đến cấp xã, các Bộ; khoảng 147.000 điều tra viên thống kê và các cấp giám sát; điều tra trên 96 triệu người sinh sống tại trên 26 triệu hộ).
Đây cũng là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý số liệu và công bố kết quả Tổng điều tra.
“Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra với nhiều đổi mới, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo an toàn và đã thành công. Tính sơ bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cải tiến Tổng điều tra đã giúp tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Riêng đối với quyết định táo bạo của cơ quan thường trực về chuyên môn là sử dụng điện thoại thông minh của điều tra viên (khoảng hơn 125 nghìn chiếc với giá thị trường từ 2,5 đến 3 triệu đồng/chiếc) đã giúp tiết kiệm rất nhiều,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành, nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, đó là việc tiếp cận, sử dụng thật hiệu quả bộ dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội dựa trên bằng chứng, bảo đảm phát triển đất nước theo phương châm dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hơn 8% dân số phải sinh sống trong nhà diện tích chật hẹp
Số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009.
Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009.
Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ.
Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ).
Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 45-49 tuổi (100,2 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-54 tuổi (95,9 nam/100 nữ).
Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Khoảng hơn một phần ba số hộ (chiếm 34,4%) sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người từ 30m2/người trở lên.
Đáng lưu ý, vẫn còn hơn 8% hộ dân cư (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người. Trong đó, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người dưới 8m2 ở Đông Nam Bộ là cao nhất (16,3%), ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là thấp nhất (3,8%).
Phó Thủ tướng đánh giá, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã phản ánh đầy đủ, chi tiết về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số, nhà ở và điều kiện sống của nhân dân.
Qua đó cho thấy tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách về dân số và phát triển thời gian qua; đồng thời cũng phản ánh những bất cập hạn chế của các cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực và nhóm tượng khác nhau như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, người có trình độ giáo dục thấp…
Trên cơ sở những kết quả thành công của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị có liên quan nghiên cứu điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo công bằng cho người dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển bứt phá vượt bẫy thu nhập trung bình.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng cách thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đảm bảo cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm, tiết kiệm kinh phí và tiến tới không thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở vào năm 2029…