Nợ xấu dần đẹp
Trong báo cáo mới đây của VAMC cho thấy, doanh số mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC có xu hướng giảm dần. Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31-12-2020, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB đạt trên 374.000 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, với giá mua nợ là 342.000 tỷ đồng, nhưng tập trung phần lớn ở những năm VAMC mới thành lập. Đến năm 2020, VAMC đặt chỉ tiêu mua nợ bằng TPĐB tối đa là 15.000 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 14.700 tỷ đồng.
Cũng theo VAMC, tính đến cuối năm 2020, đã có 21 TCTD thanh toán hết TPĐB tại tổ chức này. Hiện VAMC còn đang quản lý nợ xấu của 18 TCTD với trên 91.700 tỷ đồng mệnh giá TPĐB. Kết quả nói trên đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều TCTD đã đủ năng lực tài chính để mang nợ xấu về tự xử lý; chất lượng nợ xấu cũng được cải thiện so với các năm về trước, thể hiện qua nhu cầu gửi những khoản khó xử lý vào kho VAMC càng ngày càng giảm đi.
Song song đó, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay năm 2020 của các NHTM cũng được giữ ở mức thấp. Trong số 25 NHTM đã công bố số liệu nợ xấu trên báo cáo tài chính hợp nhất, có 6 NH ghi nhận tỷ lệ nợ xấu dưới 1% (gồm Techcombank, Vietcombank, ACB, BacABank, VietinBank, NamABank); 14 NHTM có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; 3 NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là ABBank (2,09%), PGBank (2,44%) và Eximbank (2,52%). Chỉ có 2 NH có nợ xấu trên 3% là VPBank (3,41%) và KienlongBank (5,42%). Thống kê chung cho thấy, nợ xấu của toàn hệ thống trong năm 2020 được kiểm soát dưới mức 2%. Đây là kết quả ấn tượng trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Nhưng vẫn gồng gánh nặng khác
Nhưng vẫn gồng gánh nặng khác
Tình hình đã lạc quan hơn khi phần lớn TCTD tất toán TPĐB của VAMC, cùng lúc nợ xấu tại NH được kiểm soát ở mức thấp. Nhưng đằng sau những con số đẹp nói trên, các nhà băng vẫn chưa thể trút được các gánh nặng liên quan đến vấn đề nợ xấu.
Thực tế các năm qua, nhiều TCTD bán nợ cho VAMC cũng chỉ là hình thức để VAMC giữ hộ nợ, bởi việc thu hồi nợ của VAMC rõ ràng không hiệu quả. Sau khi bán nợ, nhà băng phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm, đó là cơ sở để họ tất toán xong TPĐB tại VAMC như đã công bố. Giờ đây, các NH nhận lại một lượng tài sản lớn, lại tiếp tục phải lo thu hồi nợ. Đây lại là câu chuyện không dễ, tốn kém thời gian và chi phí, bởi hàng loạt tài sản là bất động sản thế chấp với giá trị từ vài tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng vẫn được các nhà băng miệt mài tổ chức bán đấu giá hết lần này đến lần khác song vẫn không tìm được người mua.
Một lượng lớn bất động sản cộng với hàng loạt máy móc thiết bị, nhà xưởng… rao bán nhiều lần không thành công, khiến các NH hiện đang trở thành “kho chứa” nhiều khối tài sản lớn. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, các thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản, sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua, quyền bán của NH, khiến người mua có tâm lý thận trọng đối với tài sản đảm bảo (TSĐB) do các NH phát mãi. Hơn nữa, trước đây các TSĐB được định giá quá cao để cho vay, hiện nay các nhà băng giảm giá để phát mãi nhưng vẫn chưa thật sự sát với giá trị thực, chưa kể đến vấn đề khấu hao, nên việc thanh lý không đơn giản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, các tài sản do NH thế chấp có giá trị lớn, không phải ai cũng có khả năng mua lại, hơn nữa nhiều sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường cũng khiến vấn đề bán TSĐB của các nhà băng lâm vào cảnh chật vật. Với diễn biến như vậy, thu hồi các khoản nợ cũ sẽ vẫn là một chặng đường dài của các NH.
Tồn đọng cũ vẫn chưa được xử lý thì khó khăn mới đã dần hiện hữu. Đó là tỷ lệ nợ xấu năm 2020 ở mức thấp nhưng nợ nhóm 4, nhóm 5 lại đang có xu hướng tăng mạnh. Tại NH có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống năm 2020 là Techcombank, tổng nợ xấu ghi nhận giảm 58%, xuống 1.295 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,47%. Tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối, nợ nhóm 4 tăng lên 75%, đạt gần 534 tỷ đồng. NamABank cũng nằm trong nhóm nhà băng tỷ lệ nợ xấu dưới 1% sau khi tổng nợ xấu giảm 44% về mức 744 tỷ đồng, nhưng nợ nhóm 5 đã tăng đến 77% so với đầu năm, ở mức gần 468 tỷ đồng. Lãi dự thu của nhà băng này cũng tăng 100% trong năm 2020, ở mức 2.632 tỷ đồng.
Tại BIDV, nợ nhóm 5 tăng hơn 5.000 tỷ đồng, lên mức 16.525 tỷ đồng, tương đương tăng 46% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của MB ở mức gần 3.248 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 5 tăng 124%, chiếm đến 1.384 tỷ đồng. Và một hiện tượng nữa là nợ cần chú ý (nhóm 2) thời điểm cuối năm 2020 tại một số nhà băng có xu hướng tăng đột biến. Cụ thể, OCB tăng 118%, VIB tăng vọt 76%, Vietcombank tăng 70%. Đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì nếu khách hàng tiếp tục không có khả năng trả nợ, những món nợ này sẽ từ nhóm 2 nhảy sang nhóm nợ xấu.
Năm 2020, các nhà băng cũng đã trích lập một lượng rất lớn cho quỹ dự phòng rủi ro. Động thái này được đánh giá là để ứng phó với vấn đề nợ xấu. Theo một số dự báo, chi phí dự phòng rủi ro trích lập trong năm 2020 đã được dùng một phần để các NH xóa bớt nợ xấu trong quý IV-2020, nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu cho cả năm. Một phần để các nhà băng dự phòng cho các khoản nợ xấu có thể hình thành trong tương lai, khi mà quy định cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực. Bởi 355.000 tỷ đồng nợ được tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 trong năm 2020 đã chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của nền kinh tế. Do vậy chỉ cần 50% khoản nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống sẽ tăng lên mức 4%.
Việc trích lập sớm ngay từ bây giờ là giải pháp giảm áp lực cho những khó khăn, thách thức tiềm ẩn trong tương lai là động thái chung của nhiều nhà băng. Song giải pháp này lại tạo ra một nan đề khác là các NH sẽ khó có thể hạ lãi suất cho vay, vô hình trung một phần chi phí xử lý nợ xấu đã rơi vào người vay tiền.