Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, đã đẩy bà này vào giữa tâm bão ngoại giao, qua đó tiết lộ những chi tiết ít người biết tới về cuộc sống của người phụ nữ được mệnh danh là “Công chúa Huawei” này.
Hành trình vươn vòi
Theo Market Watch, sau hơn 3 thập niên, ông Nhậm Chính Phi đã xây dựng Huawei thành một trong những đế chế kinh doanh tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Nhậm Chính Phi từng được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới trong 2 năm 2005 và 2013.
Huawei có 180.000 nhân viên, hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực. Công ty này đến nay vẫn chưa niêm yết, nên cấu trúc sở hữu không được công khai. Cùng với các nhà mạng viễn thông, Huawei đã xây dựng hơn 1.500 mạng, giúp kết nối hơn một phần ba dân số thế giới. Vào thời điểm thành lập, Huawei tập trung sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, nhưng sau đó đã mở rộng xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ, thiết bị tư vấn và vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc.
Bà Mạnh Vãn Châu.
Huawei ban đầu như một đại lý bán hàng. Sau vài năm, công ty đã có trung tâm nghiên cứu của riêng mình và có dự án quốc tế đầu tiên vào năm 1997. Sau đó, họ bắt đầu cung cấp các sản phẩm mạng cố định cho một công ty ở Hồng Công. Năm 1999, Huawei thành lập trung tâm R&D đầu tiên tại Bangalore, Ấn Độ. Công ty cũng đã ký hợp đồng 5 năm với IBM cho đến năm 2003. Huawei tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế. Đây là công ty đầu tiên cung cấp mạng thương mại LTE/ EPC cho Telia Sonera ở Na Uy vào năm 2009.
Vào năm 2013, công ty mở văn phòng mới tại Canada. Trong nhiều năm, Huawei luôn tập trung vào việc tăng cường công nghệ di động và có một số mối quan hệ đối tác với các công ty khác. Đến năm 2010, 80% trong số 50 công ty viễn thông hàng đầu đã làm việc với Huawei. Một số đối tác nổi bật bao gồm Motorola, Vodafone, Talk Talk, T-mobile, Clear dây, Bell Canada…
Huawei đã vượt qua Ericsson vào năm 2012 với tư cách là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất tại thế giới. Năm 2018 Huawei vượt qua Apple với tư cách là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sau Samsung Electronics; đồng thời đứng thứ 72 trong danh sách Fortune Global 500. Doanh thu của Huawei năm 2018 lần đầu tiên vượt quá 100 tỷ USD.
Những bí ẩn về thân thế
Sinh ra ở Quý Châu, tỉnh nghèo nhất nhì Trung Quốc, ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập Tập đoàn Huawei - đã 3 lần kết hôn và có 2 con gái, 1 con trai, nhưng 2 người con gái Meng Wan Zhou và Annabel Yao đều không mang họ bố. Lý giải vì sao bà Mạnh mang họ mẹ, có nguồn tin nói rằng ông Nhậm Chính Phi thuở ban đầu ở rể nhà họ Mạnh.
Vợ của ông là bà Mạnh Quân nên con gái và con trai đều theo họ mẹ. Bà Mạnh Vãn Châu sau này tuyên bố với truyền thông mình lấy theo họ mẹ là bà Mạnh Quân, em trai ban đầu cũng tên Mạnh Bình (cũng làm việc cho Huawei), nhưng hiện đã đổi tên thành Nhậm Bình. Việc Mạnh Vãn Châu lấy họ mẹ, hé lộ thông tin ông ngoại của bà là Mạnh Đông Ba, từng giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên. Lại có cách lý giải khác, bà mang họ của mẹ là “để tránh chú ý không cần thiết”. Các gia đình trong tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc thường sử dụng cách này.
Bà Mạnh Vãn Châu bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính Huawei vào năm 2011, tương lai được xem là người kế vị tiềm năng của Huawei. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, thế giới bên ngoài vẫn chưa biết về bối cảnh gia đình cũng như thân thế của nữ doanh nhân sinh năm 1972. Bởi kể từ khi gia nhập Huawei hơn 20 năm trước, bà Mạnh gần như “ẩn mình”, nên không ai biết mối quan hệ giữa nữ giám đốc tài chính và người sáng lập tập đoàn, vì cả 2 mang họ khác nhau.
Tài liệu của tòa án cho thấy, bà Mạnh từng mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp và trải qua ca phẫu thuật năm 2011. Các luật sư của bà Mạnh cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản trước tòa rằng, bà bị huyết áp cao trong nhiều năm, và năm ngoái đã phẫu thuật hàm và cổ họng để khắc phục các vấn đề sức khỏe liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Ngay sau khi bị bắt tại Vancouver vào ngày 1-12, bà Mạnh đã được đưa đến một bệnh viện gần đó để được điều trị tăng huyết áp.
Trong phiên điều trần hôm 10-12, bà Mạnh viện lý do sức khỏe để xin được tại ngoại, vì bà bị huyết áp cao và lo ngại về sức khỏe trong thời gian bị giam ở Canada. Theo Reuters, luật sư bào chữa của bà, David Martin khẳng định bà sẵn sàng nộp khoản bảo lãnh 11,3 triệu USD để được tại ngoại, trong đó bao gồm 750.000USD tiền mặt và gần 9,7 triệu USD vốn sở hữu trong các công ty. Ngày 11-12, tòa án ở Vancouver đã ra phán quyết đồng ý để bà Mạnh Vãn Châu nộp khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD đi kèm một số điều kiện khác để được tại ngoại.
Nữ tướng kín tiếng
Nữ tướng kín tiếng
Ngoài chức vụ Giám đốc Tài chính, bà còn là một trong những Phó Chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Giống như người cha tỷ phú của mình, bà thường tránh sự chú ý của giới truyền thông. Nhưng nay các tài liệu của tòa án từ phiên điều trần xin tại ngoại của bà tại Canada, đã hé lộ những chi tiết giấu kín về nữ doanh nhân 46 tuổi này.
Hiện không rõ số tài sản của bà Mạnh là bao nhiêu, nhưng nữ doanh nhân này chưa từng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc do Tạp chí Hurun bình chọn. Theo tài liệu của tòa án, bà Mạnh và người chồng Liu Xiaozong, 43 tuổi, sở hữu 2 căn biệt thự ở thành phố Vancouver của Canada, trong đó một căn trị giá 5,6 triệu đô la Canada (4,2 triệu USD) căn biệt thự còn lại trị giá 16,3 triệu đô la Canada (12,2 triệu USD).
Trong văn bản gửi tòa án, bà Mạnh cho biết, bà và gia đình có mối quan hệ gần gũi với Canada. Bà tới Canada lần đầu tiên vào năm 2003. Kể từ đó, bà thường xuyên qua lại giữa Canada và quê nhà Trung Quốc. Ban đầu bà chỉ đến Canada với tư cách là khách du lịch, nhưng cũng đã có lúc được cấp quyền thường trú tại Canada. Sau khi bà Mạnh bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1-12, mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những đồn đoán về mối quan hệ giữa nữ doanh nhân này với Canada.
Trung Quốc không công nhận việc công dân sở hữu cùng lúc 2 quốc tịch. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc khi học tập và làm việc ở nước ngoài có thể vẫn sở hữu hộ chiếu của các nước khác song không công bố. Bà Mạnh khẳng định, hiện bà chỉ sở hữu hộ chiếu của Trung Quốc và đặc khu Hồng Công. Giới chức Mỹ nói rằng trong vòng 11 năm qua, bà Mạnh sở hữu ít nhất 7 hộ chiếu Trung Quốc và Hồng Công.
Vị trí và gia thế của bà Mạnh Vãn Châu khiến nhiều người dự đoán người phụ nữ này sẽ được trao quyền lãnh đạo tập đoàn, cho dù ông Nhậm từng khẳng định người nhà của ông sẽ không được thay ông ở vị trí cao nhất. |
(Còn tiếp)