Từ quy mô ban đầu 821ha, trong đó có 600ha lấn biển (15,5ha biển đã san lấp bị bỏ hoang nhiều năm), hiện nay dự án đã được mở rộng thành 2.870ha với tên mới Khu đô thị (KĐT) du lịch lấn biển Cần Giờ và đã được sự phê duyệt của Chính phủ.
Điều không ai chối cãi là dự án KĐT lấn biển với quy mô diện tích và tài chính thuộc loại ngoại cỡ này sẽ đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cho đất nước và khu vực. Song các chuyên gia, nhà khoa học môi trường đều kiến nghị nên có chủ trương tổng thể xây dựng phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế sinh thái và đô thị thông minh, với hướng đầu tư phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, sử dụng 100% điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo khác trên nền điện lưới cơ bản của an ninh năng lượng...
Để tăng tính thân thiện môi trường hay “hài hòa sinh thái, càng nên cho nguồn năng lượng sử dụng cho sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt lên bán đảo, nhất là ở toàn khu vực dự án có hàm lượng cao năng lượng tái tạo sạch, có thể lên đến 80% là điện gió, điện mặt trời (hoặc tương lai là điện thủy triều), kèm hệ thống điện bờ bảo đảm nền lưới điện cơ bản (có năng lực 20% nhu cầu điện) của Cần Giờ, đồng thời kết hợp mái các tấm quang năng dàn trải che chắn cho các khu nuôi trồng thủy sản tự cung cấp cho nhu cầu KĐT, chưa tính đến lợi thế bán quyền phát thải CO2 cũng rất đáng kể…
Làm được như vậy dự án càng xanh sạch hơn, càng hấp dẫn hơn, phù hợp với định hướng quốc gia cho kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định phát triển bền vững, không đánh đổi lợi ích môi trường.
Lấn biển cũng là điều tích cực, nhưng chỉ thực sự tốt nếu không tác động xấu đến thiên nhiên, môi trường. Điều đáng mừng nhất là KĐT lấn biển này không hoàn toàn đi theo con đường tìm kiếm quỹ đất phát triển bất động sản hay kinh doanh du lịch để phân lô, bán nền, xây khách sạn, resort, khu dân cư tập trung, mà chú trọng quan tâm phát triển các công trình sinh thái thân thiện môi trường như Biển Hồ rộng 872ha, xa hơn 10km vùng lõi khu sinh quyển, phần nào giảm nhẹ các tác động trực tiếp lên môi trường.
Nếu “bột đã gột nên hồ” có lẽ phải làm tất cả những gì cần thiết để “rừng Sác hóa” toàn vùng dự án, như tăng khẩu độ mở rộng của 2 cửa biển thông ra từ Biển Hồ để tăng độ phủ sinh thái toàn bộ nền đất dự án; xem xét kỹ quy mô kích cỡ, mật độ khai thác của bến tàu ven khu sinh thái kín để tránh ẩn họa ì xèo, nhộn nhịp của sự hỗn mang “trên bến dưới thuyền”, hạn chế tối đa chiều sâu đáy hồ nội địa để tránh sụt lún hay hở hàm ếch bờ hồ, gia cố hết mức các lưới rọ đá bờ hồ trước khi tạo nền thoải bờ cát biển Hồ cho du khách tắm biển như Vũng Tàu, Mũi Né.
Quan trọng nhất là cần có những quy định cụ thể về dân sinh, sản xuất, dịch vụ và du lịch để con người không tàn phá cảnh quan, hủy hoại môi trường khu vực vốn rất nhạy cảm sinh thái này, dứt khoát khoanh vùng khu dự án không cơi nới, không giao thoa xâm lấn thêm.
Vấn đề còn lại là cần hoàn thiện mô hình động lực dòng chảy ven bờ, đặc biệt chú ý đến đê nắn sóng trước mặt khu dự án, kết hợp với các cộng hưởng sóng Đông, gió Đông và bán nhật triều biên độ 3-4m để ngăn chặn khả năng xói lở bờ dự án, bồi lấp luồng Soài Rạp, Lòng Tàu.
Cần quan trắc chặt chẽ và có hướng điều hòa cho chế độ môi trường nước rừng ngập mặn, bảo vệ hệ sinh thái của toàn khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Công việc phải là liên tục, nghiêm túc và can thiệp quyết liệt, kịp thời.
Đồng thời phải quan tâm ngăn chặn khả năng khai thác xâm phạm môi trường chung quanh KĐT cho mục đích sản xuất và dân sinh thời gian sau này. Lấy môi trường là trọng tâm bảo tồn và phát triển, những thứ khác dù hiệu quả đến mấy cũng theo sau.
Tóm lại, dự án KĐT lấn biển Cần Giờ thực sự là công trình có ý nghĩa vận hội lớn cho vùng bán đảo vốn trước nay ngủ yên này, sẽ tác dụng đòn bẩy phát triển cho toàn vùng duyên hải Đông Nam đất nước.
Điều kiện cần và đủ là phải kết hợp đồng bộ các giải pháp môi trường trong đề án được thực hiện có tôn trọng môi sinh, thuận theo thiên nhiên để không gây hại, hay ảnh hưởng rất ít đến những gì tự nhiên bao đời được bảo vệ ở đây, để lợi ích kinh tế đồng hành được lợi ích môi trường, hướng đến tương lai phát triển bền vững.
Suy cho cùng, nếu vẫn thực hiện dự án đột phá dầy triển vọng như vậy trên một khu vực theo cách không thay đổi bản chất tự nhiên vốn có của nó mà còn làm cho xanh hơn, tương tự như mở rộng hệ sinh thái có sẵn trên vùng bồi đắp mới, không có dáng dấp đô thị hóa kiểu “đô thị nhưng không đô thị”, mà là đô thị thông minh xanh, khu dân cư sinh thái sạch, khu du lịch cảnh quan đa dạng, có trân trọng bảo đảm nghiêm ngặt các chuẩn mực môi trường, chỉnh sửa tức khắc các tác động phát sinh, dự án này mới trở nên thân thiện môi trường và tiềm ẩn ít tác động tiêu cực hơn.