KỶ NIỆM 18 NĂM NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13/10/2004 - 13/10/2022)

Đạo đức, trách nhiệm trong kinh doanh…

(ĐTTCO) - Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN, cho rằng trong môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện không có nghĩa doanh nghiệp (DN) không thể chọn đạo đức. Nếu các doanh nhân muốn làm ăn với những DN đàng hoàng sẽ chọn đạo đức kinh doanh.
Một góc nhà ăn tập thể của quản lý và công nhân Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một góc nhà ăn tập thể của quản lý và công nhân Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: VIẾT CHUNG
PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, thực hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân là yêu cầu tiên quyết trong việc bình chọn để trao tặng Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm nay. Vậy văn hóa DN và đạo đức kinh doanh có tầm quan trọng thế nào?  
Bà PHẠM CHI LAN: - Văn hóa và đạo đức kinh doanh là điều dù không bắt buộc nhưng DN không có không được, không tham gia không được. Những quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam sẽ góp phần tạo nên đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm, đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện thể chế, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những yêu cầu, chuẩn mực cao nhất, trong khi thế giới đang thay đổi quá nhiều, từ các mối quan hệ đến cách thức kinh doanh, vì thế đòi hỏi phải có hệ thống quản trị tiên tiến.
Quốc gia cần có quản trị quốc gia, lĩnh vực ngành có quản trị ngành. DN, doanh nhân cũng cần hệ thống quản trị tiên tiến, trong đó văn hóa DN và đạo đức kinh doanh cần được đẩy mạnh, nếu không sẽ không phát triển được. 
Thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam sẽ giúp DN phát triển bền vững, đồng thời nâng tầm DN Việt lên cao hơn để theo kịp sự phát triển và trào lưu chung của thời đại. 6 quy tắc này là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, DN.
Trong đó, 2 quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức, và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của DN; 2 quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh và tương tác với các đối tác; 2 quy tắc cuối là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình. 
-  Nhưng trong môi trường kinh doanh vẫn còn xin-cho, thân hữu, làm ăn chụp giật, doanh nhân và DN tuân thủ làm tốt theo bộ quy tắc này liệu có bị thua thiệt, thưa bà? 
- Đúng là môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch và còn nhiều tồn tại, nhưng không có nghĩa DN không thể chọn đạo đức. Thế giới đang có những tiêu chuẩn, đòi hỏi mới.
Tôi tin rằng các doanh nhân muốn DN mình chơi với DN đàng hoàng làm ăn nghiêm túc họ sẽ chọn đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh sẽ khiến DN có thêm nhiều cơ hội kinh doanh khi làm ăn được cùng các DN nghiêm túc, cùng chọn các chuẩn mực đạo đức, không chỉ trong nước mà cả với các đối tác toàn cầu.
VCCI đã đưa ra bộ quy tắc này và đưa vào tiêu chí bình chọn doanh nhân tiêu biểu, là lời kêu gọi tất cả DN cùng tham gia, coi đây như cam kết chung để cùng nhau đồng hành, cùng nhau hành động. Tôi tin sự tự nguyện sẽ đạt được từ tất cả DN, bởi không ai khước từ xây dựng đạo đức văn hóa cho mình. Nếu không làm, tức không có đạo đức và văn hóa kinh doanh, DN sẽ tự làm mất đi hình ảnh của mình trong xã hội.
- Ai cũng yêu nước, nhưng yêu nước của doanh nhân thể hiện thế nào, thưa bà? 
- Yêu nước là phẩm chất sẵn có trong mỗi người Việt Nam, trong đó có doanh nhân. Doanh nhân cần nêu cao và phát huy phẩm chất này thông qua ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, ý thức nâng cao và bảo vệ lợi ích của đất nước trong kinh doanh; không gây hại đến lợi ích, hình ảnh quốc gia.
Doanh nhân yêu nước phải có trách nhiệm với xã hội, phải biết gắn lợi ích kinh doanh của bản thân với lợi ích của cộng đồng, phải nâng cao ý thức cho nhân viên và tổ chức thực thi trách nhiệm xã hội tại DN. Tinh thần, truyền thống gia đình là nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Doanh nhân phải có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt chăm lo, giáo dục con cái thành những công dân tốt, hữu ích cho đất nước, nếu có thể thành thế hệ kế thừa, phát huy và phát triển thành tựu của các thế hệ doanh nhân đi trước.
- Nhiều DN băn khoăn muốn minh bạch, liêm chính, nhưng do quy định không minh bạch, vậy DN làm sao minh bạch và chứng minh sự minh bạch của mình?   
- Về phía DN, minh bạch, công bằng, liêm chính là những phẩm chất, yêu cầu mang tính phổ quát đối với doanh nhân, DN tại các quốc gia phát triển. Doanh nhân cần có tư duy, nhận thức và điều hành, quản trị DN một cách minh bạch; trung thực, chính trực trong hành vi, giữ chữ tín; quan tâm, đối xử công bằng với người lao động, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư. 
Nhưng đúng là khi nói về đạo đức, văn hóa kinh doanh, nhiều doanh nhân tỏ ra ngần ngại vì có thể họ chưa thực hiện được, hoặc chưa thực hiện được đầy đủ các nguyên tắc đạo đức kinh doanh. Nguyên do vì môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thực sự minh bạch, công bằng, liêm chính, nên DN chưa thể tuân thủ.
Đơn cử, đâu đó vẫn có sự “thỏa thuận” giữa các hộ kinh doanh nộp thuế khoán với người đi thu thuế. Hoặc khi có DN vi phạm quy định về môi trường nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn, ảnh hưởng đến các DN tuân thủ nghiêm túc... 
Vì thế, để đạt được sự liêm chính trong quy tắc đạo đức của doanh nhân, cần sự liêm chính của các bên, cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Điều này không chỉ liên quan tới ứng xử, hành vi của doanh nhân, DN, còn của tất cả những người liên quan đến hoạt động kinh doanh.
DN thực hiện đúng quy định, Nhà nước cũng phải thực hiện đúng cam kết của mình, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh.
Như vậy, có thể hiểu các quy tắc đạo đức doanh nhân không chỉ tạo ra giá trị cho DN, còn thúc đẩy chuẩn mực đạo đức cho cả xã hội. 
- Xin cảm ơn bà.
 6 QUY TẮC ĐẠO ĐỨC DOANH NHÂN VIỆT NAM
1.Tạo giá trị kinh tế cho xã hội
2.Tuân thủ pháp luật
3.Minh bạch, công bằng, liêm chính
4.Sáng tạo, hợp tác cùng phát triển
5.Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường
6.Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình

Các tin khác